Người bệnh bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều ngày nhưng nghĩ rối loạn tiêu hóa bình thường. Một ngày trước khi nhập viện, ông mệt lả, da tái xanh, thở nhanh. Gia đình đưa người bệnh đến Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, huyết áp tụt còn 60/30 MmHg, mạch nhanh 120 lần/phút, mệt lả, da xanh, niêm mạc nhợt, nôn nhiều. Bác sĩ chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do viêm ruột biến chứng suy đa tạng, tiên lượng rất nặng.
Bác sĩ Phạm Thanh Tùng – Khoa Hồi sức Tích cực, ngày 27/6 cho biết đây là trường hợp rất đáng tiếc do chủ quan khi bị rối loạn tiêu hóa và nhập viện muộn dẫn đến biến chứng. Người bệnh phải thở máy, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, tiến hành lọc máu, kháng sinh liều cao, chăm sóc hồi sức.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân rút máy thở song vẫn cần tiếp tục theo dõi.
Tình trạng ngộ độc thức ăn hoặc rối loạn tiêu hóa nếu được xử trí kịp thời, đúng cách thường không để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nặng do không được can thiệp đúng thời điểm, dẫn đến mất nước nặng, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn nặng, trụy mạch... và tử vong.
Để phòng ngừa, người dân nên duy trì chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, hạn chế các thực phẩm chua, cay... Ăn chín, uống sôi, thức ăn được đậy kín, tránh bụi bẩn, hạn chế dùng các thực phẩm bán ở lề đường. Nếu tình trạng tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng... kéo dài, diễn ra nhiều lần trong ngày thì người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và có điều chỉnh phù hợp.