Ngày 11/9, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Phòng tiêm chủng vaccine của bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân (Bắc Giang) đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại. Qua khai thác, được biết, bệnh nhân bị chó nhà cắn cách đây 3 ngày. Bệnh nhân bị đứt rời bàn chân phải và nhiều vết cào xé trên người, được gia đình đưa vào cơ sở y tế cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị.

65-1694479270.jpeg
Khi bị chó nghi dại cắn, người dân cần tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Theo các chuyên gia y tế, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền do virus dại xâm nhập qua các vết cắn, vết cào của động vật đã mắc bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus dại gây tổn thương trên hệ thần kinh trung ương ở một số loài động vật như các loại chuột, dê, cừu, trâu, bò, đặc biệt là loại chó. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn, người đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100 %.

Tuy nhiên, thời gian qua, liên tiếp có các vụ tử vong vì bệnh dại do trước đó đã bị chó, mèo cắn nhưng không tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Có người 1 năm sau khi bị chó cắn mới phát bệnh dại và tử vong.

Vì vậy, người dân cần hiểu rõ về bệnh dại và nguy cơ sau khi mắc bệnh. Nếu nuôi chó phải nhốt, không được thả rông, khi ra đường phải có rọ mõm, có người trông. Tiêm phòng và quản lý tốt chó đang ngồi tại khu vực cụm dân cư.

Những người bị chó, mèo nghi dại cắn cần chủ động đi tiêm phòng dại ngay, càng sớm càng tốt.