Mở được cửa hàng là đỡ tiền nhà
Nhìn chung các hộ kinh doanh tại Hà Nội tâm lý đều phấn khởi khi được mở cửa hàng trở lại. Chị Nga - chủ cửa hàng phở tại phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chờ được mở cửa từ tuần trước nhưng tới đầu tuần này mới được mở, thông báo vào tối nên chỉ chuẩn bị được ít hàng bán nửa buổi sáng là hết.
“Lượng khách nhìn có vẻ đông nhưng vẫn không bằng thời điểm trước đây, dãy bàn kê trước cửa hàng nay phải dọn vào chỉ ăn trong nhà. Cửa hàng diện tích nhỏ nên ngồi kín bàn cũng chỉ 8 - 10 khách một lượt nhưng dù gì được mở cửa kinh doanh là có thu nhập” - chị Nga nói.
Quán cà phê nước ép trên đường Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng) mở cửa từ 6h30 sáng, tuy nhiên, tới 9h30 phút mới chỉ bán được gần 10 cốc nước. Chị Thảo - chủ quán ép than thở: “Cả tháng ở nhà do dịch, tiền thuê nhà vẫn mất, chủ nhà chỉ giảm 50%, mở cửa hàng lại không dám thuê nhân viên vì không có tiền trả lương. Mở hàng được cũng tốt nhưng mong hơn cả là cuộc sống trở lại bình thường”.
Quán bún bò nổi tiếng trên đường Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) vốn lúc nào cũng đông khách, thậm chí khách đến vào giờ cao điểm phải đứng chờ bàn thì nay vắng vẻ. Những ngày đầu mở cửa hàng, cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ những biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch, như tấm ngăn cách, rửa tay sát khuẩn, nhân viên đeo khẩu trang khi phục vụ. Nhưng với lượng khách ít sau khi mở cửa trở lại, chủ cửa hàng cũng không dám gọi nhiều nhân viên mà tiếp tục "nghe ngóng" tình hình dịch bệnh.
San nhượng quán, mặt bằng kinh doanh “tấp nập”
Trên những con phố cafe nổi tiếng của Hà Nội như Thái Phiên, Triệu Việt Vương… chỉ hơn 50% các quán cafe mở cửa trở lại, nhiều cửa hàng còn treo biển cho thuê mặt bằng, sang nhượng cửa hàng.
Chị Hoài - một chủ quán cafe trên phố Thái Phiên cho biết, mới mở cửa hàng cafe từ trước Tết năm 2021, chỉ hơn 6 tháng kinh doanh nhưng đã qua 2 đợt bùng dịch Covid-19. Cửa hàng của chị Hoài đầu tư hơn 200 triệu đồng, giờ đóng cửa, trả mặt bằng và thanh lý đồ.
“Tất cả chắc mình lỗ hơn 150 triệu đồng, chưa kể 6 tháng làm không công” - chị Hoài than thở.
Trên các hội nhóm kinh doanh cafe, sang nhượng cửa hàng, mặt bằng kinh doanh, thanh lý đồ liên tục có những tin mới. Lượng người chuyển nhượng cửa hàng cũng như bán đồ thanh lý nhiều nhưng người hỏi mua gần như không có. Một số chủ cửa hàng không tìm được khách nhượng cửa hàng phải đóng cửa. Những người kinh doanh có kinh nghiệm cho rằng, mua cửa hàng thời điểm này là cầm chắc lỗ, khuyên những người có ý định kinh doanh mới nên nghe ngóng tình hình dịch.
Với anh Thiện, một môi giới bất động sản thì thời điểm này khá nhiều mối cho thuê mặt bằng kinh doanh, giá được chủ nhà giảm sâu để hỗ trợ người thuê do dịch Covid-19.
“Cửa hàng nhiều, mặt bằng kinh doanh nhiều nhưng bói không ra khách thuê. Đợt dịch đầu và thứ 2, sau dịch còn có nhiều người đi hỏi thuê mặt bằng mở cửa hàng bắt đầu kinh doanh lại. Tuy nhiên, tới đợt dịch thứ 3 thì khách ít đi rất nhiều và lần thứ 4 gần như không có khách hỏi thuê mặt bằng. Tâm lý chung giờ vẫn là nghe ngóng. Môi giới mảng mặt bằng kinh doanh và nhà cho thuê gần như ngồi chơi” - anh Thiện nói./.