Bạt cả quả đồi, chỉ kê khai mấy trăm khối!

Theo thông tin được đại biểu nêu ra tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII (diễn ra trong 2 ngày 8-9/12), trên địa bàn tỉnh này hiện có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Nghệ An thu hồi 8 giấy phép khai thác khoáng sản do không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Luật khoáng sản.

Công tác quản lý, chống thất thu thuế khai thác khoáng sản còn bất cập, lãng phí tài nguyên, thất thu thuế diễn ra nhức nhối. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành chức năng phát hiện, xử lý 758 vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý khoáng sản và khởi tố 9 vụ, 11 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 748 vụ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

khai-thac-khoang-santrai-phepquy-hopnghe-ancacc-1639132981819-1639213509.jpg
Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một vụ khai thác khoáng sản (đá trắng) quy mô lớn tại huyện Quỳ Hợp (Ảnh: B.M).

Đặc biệt, quá trình kiểm tra, giám sát, ngành chức năng phát hiện có doanh nghiệp được cấp phép khai thác 87.000 tấn quặng thiếc trong thời gian 30 năm nhưng khai thác đến 104.000 tấn chỉ riêng trong năm 2020. Tức trữ lượng khai thác trong một năm bằng 120% trữ lượng được cấp phép trong 30 năm (!).

Theo ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng cục Thuế Nghệ An, đây là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Ông Hải cũng chỉ ra 2 hiện tượng lãng phí tài nguyên, thất thoát thuế tài nguyên khoáng sản. "Thứ nhất là khai thác trái phép hoặc khai thác vượt công suất thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ hai là khai thác nhiều nhưng kê khai rất ít, bao gồm kê khai trữ lượng thực tế khai thác và kê khai thuế".

Nguyên nhân là do nhu cầu thực tế về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn lớn hơn nhiều so với trữ lượng và công suất cấp phép khai thác hàng năm.

ong-trinh-thanh-haicuc-truong-cuc-thue-nghe-anhoang-lam-1639133072829-1639213535.jpeg
Ông Trịnh Thanh Hải: Có tình trạng bạt cả quả núi nhưng chỉ kê khai mấy trăm khối (Ảnh: H.L).

Hiện Nghệ An 61 điểm mỏ, công suất cấp phép hàng năm 1,4 triệu tấn/năm. Riêng nhu cầu thực hiện đường cao tốc Bắc - Nam qua Nghệ An trong 2 năm theo kết quả khảo sát của ngành thuế là 6 triệu khối. Tức là một năm cần khoảng 3 triệu khối, vượt quá xa công suất của mỏ, dẫn tới hiện tượng khai thác trái phép, khai thác vượt công suất.

"Nhiều doanh nghiệp nói với tôi là họ không muốn trốn thuế vì thuế chỗ này không phải là nhiều. Họ muốn nộp nhưng nộp thì sai, viết hóa đơn là sai cho nên chỉ viết hóa đơn khoảng 10% thôi. Hiện tượng này là rất nguy hiểm", Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An thông tin.

Liên quan đến số lượng khoáng sản (đất, cát) phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An, hiện ngành Thuế đang xác minh, tránh trường hợp khi dự án hoàn thành hồ sơ được "hợp thức hóa". "Như thế thì tôi thấy như bắt chạch đằng đuôi", ông Hải cho hay.

Thời gian qua, ngành Thuế cũng đã phát hiện tình trạng khai thác nhiều nhưng kê khai ít nhằm trốn thuế. "Có doanh nghiệp bạt quả núi nhưng thực tế kê khai chỉ mấy trăm khối. Điều này gây thất thu ngân sách rất lớn", Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An nhận định.

Tuy nhiên, ngành Thuế lại không có chức năng, không đủ thẩm quyền và cũng không có nghiệp vụ để xác định trữ lượng thực tế khai thác một cách chính xác.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản

Trong thời gian qua ngành Thuế triển khai, tham mưu nhiều biện pháp chống thất thu thuế. Đơn cử như xây dựng các định mức tiêu hao vật liệu nổ trong khai thác đá, xây dựng định mức tiêu hao năng lượng trong chế biến đá, xác minh hàng hóa qua cảng... để sở, ngành chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động nộp thuế của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

ong-hoang-quoc-vietgiam-doc-so-tnmtnghe-anhoang-lam-1639133153677-1639213569.jpeg
Ông Hoàng Quốc Việt: Khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra do một số địa phương thực hiện chỉ đạo của tỉnh chưa nghiêm (Ảnh: H.L).

Theo ông Hải, để tránh thất thu ngân sách từ thuế tài nguyên, giải pháp căn cơ hiện nay là phải xác định được nhu cầu thực tế của tài nguyên khoáng sản đối với sự phát triển kinh tế xã hội để quy hoạch, đáp ứng yêu cầu nguồn cung về khoáng sản. Bên cạnh đó xác định đúng trữ lượng thực tế khai thác là cơ sở xác định nghĩa vụ thực hiện nộp ngân sách của doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Liên quan đến việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An cho biết, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản đối với 12 doanh nghiệp có quy mô lớn.

"Đoàn đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp đầu tiên tại Quỳ Hợp và truy thuế hơn 1,2 tỷ đồng, tiến tới trình UBND tỉnh xử phạt 345 triệu đồng", ông Việt thông tin. 

khai-thac-da-thach-anh-trai-phepnghia-dannghe-antq-1639132981683-1639213600.jpg
Hoạt động khai thác thạch anh trái phép diễn ra tại huyện Nghĩa Đàn (Ảnh: T.Q).

Sở TN&MT Nghệ An đang đẩy nhanh cấp thủ tục cấp phép các mỏ đất, cát để phục vụ các dự án nhằm hạn chế khai thác trái phép trên địa bàn; đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. 

Đối với doanh nghiệp khai thác vượt trữ lượng so với giấy phép được cấp do trong quá trình khai thác phát hiện thêm trữ lượng, theo ông Hoàng Quốc Việt, các doanh nghiệp cần đăng ký kê khai bổ sung để tỉnh xem xét, tránh thất thoát ngân sách./.