Thông tin ban đầu, vào khoảng 10h45’ sáng cùng ngày, Nguyễn Văn Quyết (31 tuổi) và chị Nguyễn Thị L. (25 tuổi) đều trú xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là đương sự trong vụ án ly hôn đến Tòa đề nghị Tòa án tổ chức hòa giải theo hướng để các đương sự tự thỏa thuận với nhau giải quyết vụ án.

Quá trình làm việc, Thẩm phán phụ trách vụ án đang trao đổi, giải thích các vấn đề liên quan theo đúng quy định thì Quyết đã bất ngờ dùng dao thủ sẵn trong người đâm vào người chị L.

Sau khi gây án, Nguyễn Văn Quyết đã bỏ trốn. Chị L. bị thương nặng, nhanh chóng được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

f-1695975959.jpg
Hiện trường vụ việc

Sự việc xảy ra quá nhanh, bất ngờ nên không ai kịp can ngăn, đồng thời khiến cho cán bộ, công chức, người lao động tại Tòa hết sức hoang mang, lo lắng.

Theo Phó Chánh án TAND huyện Lộc Hà Nguyễn Khắc Hoàn, tại những phiên hòa giải những vụ án dân sự, hành chính không có lực lượng Công an hỗ trợ, bảo vệ nên cán bộ, Thẩm phán, người lao động và cả đương sự trong vụ việc có thể gặp phải những tiềm ẩn rủi ro bất ngờ.

Tại đơn vị chỉ có bảo vệ đơn thuần, không có lực lượng bảo vệ chuyên trách nên khi xảy ra sự việc sẽ rất khó ngăn chặn, giải quyết, bảo vệ kịp thời an toàn, tính mạng cho những người có mặt tại Tòa.

Trong trường hợp đang diễn ra phiên tòa mà nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án,… có những hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín, thậm chí tính mạng của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng nhưng không có lực lượng cảnh sát bảo vệ kịp thời can thiệp thì sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Bảo đảm cho việc xét xử được trang nghiêm, an toàn về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự cho cán bộ Tòa án và những người tham gia phiên tòa là việc làm rất quan trọng trong công tác xét xử, thể hiện tính tôn nghiêm của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn chỉ các phiên tòa xét xử vụ án hình sự mới có sự tham gia bảo vệ của lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa, còn các phiên tòa xét xử vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính,… rất ít khi có sự tham gia của lực lượng này và cũng chỉ tham gia khi Tòa án có yêu cầu chứ không phải là lực lượng thường xuyên, chuyên trách làm nhiệm vụ giữ trật tự cho các Tòa án.

Vì vậy, việc cấp thiết là cần phải hoàn thiện, sửa đổi các quy định của pháp luật về sự tham gia thường trực của lực lượng cảnh sát bảo vệ trong các phiên tòa.

Tòa án rất cần một chế độ bảo vệ đặc biệt, nâng mức trách nhiệm và biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi gây rối phiên tòa, đe dọa tính mạng của những người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng để răn đe, cảnh tỉnh cho những ai cố tình vi phạm.