Xô đẩy như ong vỡ tổ để làm sổ đỏ

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ngắn trong đó ghi lại cảnh hàng trăm người tranh nhau xếp hàng để bốc số thứ tự để chờ làm hồ sơ giải quyết thủ tục đất đai.

Cụ thể, chủ tài khoản TikTok Nguyenkien513 chia sẻ đoạn clip dài gần 40 giây, kèm chú thích: “Đi làm sổ đỏ mà như thế này thì khổ dân quá”. Theo đó, ngay khi bảo vệ mở rào cổng, một đám đông vội vã xô đẩy nhau để ùa vào, giành chỗ xếp hàng để bốc số thứ tự làm hồ sơ. Thậm chí, do quá vội vàng nên có người còn bị ngã ra đất.

Đoạn clip sau khi đăng tải được nửa ngày, đã nhanh chóng nhận được gần 4 triệu lượt xem, hơn 8.000 lượt bình luận và gần 8.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Trong phần bình luận, nhiều người cho rằng cần có sự thay đổi về công tác hành chính đối với bộ phận một cửa, để tránh những trường hợp người dân xô đẩy như trong clip, đảm bảo an ninh, trật tự.

“Tôi ở TP Đồng Xoài đến trụ sở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành vài chục km. Tôi phải dậy từ 4h sáng để đi. Tới nơi tầm 5h30 sáng nhưng phải chờ đến 7h cửa mới mở. Do ai cũng chờ bên ngoài đường nên khi cổng mở ra thì ồ ạt chạy vào. Dù vậy, số thứ tự không nhiều nên tranh nhau người có người không”, ông Đ.N.T (ngụ phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cho hay.

Trong khi đó, ông N.V.N (ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho biết thêm: “Tình trạng đông người đến làm thủ tục đất đai từ mờ sáng diễn ra từ đầu tháng 4 đến nay. Không phải hồ sơ nào nộp vào cũng xử lý được, nhiều trường hợp chuyển nhượng đất bị trả lại hồ sơ do khu vực bị cấm. Theo tôi, ngành chức năng nên tăng cường lực lượng và bố trí khoa học hơn”.

Qua xác minh của chủ clip và một số người dân, được biết sự việc trong clip xảy ra tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nằm trên đường Trần Huy Liệu, thuộc huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

a-1650596501.jpg
b-1650596523.jpg
Nhiều người không khỏi bất ngờ với cảnh người dân xô đẩy nhau ngã lăn ra đất khi đi làm sổ đỏ

Đáng chú ý, xác nhận với Tiền Phong, một số người dân cho biết đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp người dân chen lấn xô đẩy để được bốc số thứ tự giải quyết hồ sơ đất đai. Thậm chí, nhiều người phải đến chờ từ lúc 3h sáng. Hay có người đi lại đến gần 10 ngày mà vẫn chưa bấm được số để nộp hồ sơ.

Hồ sơ đất đai tăng đột biến

Chia sẻ với báo chí, đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành cho biết, sự việc như trong là clip là có thật. Nguyên nhân là do số lượng người dân đến làm hồ sơ đất đai tăng đột biến, trong khi năng lực giải quyết của chi nhánh chỉ khoảng 100 hồ sơ/ngày.

Thậm chí, chi nhánh này còn cho nhân viên làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ, đồng thời tuyển dụng thêm nhân sự để kịp thời giải quyết hồ sơ đất đai, thủ tục liên quan cho người dân. Nhưng do số người đến làm thủ tục quá đông, chen lấn xô đẩy lẫn nhau nên không phải người nào cũng bốc được số thứ tự như mong muốn.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số hồ sơ tồn chưa giải quyết, trong khi lực lượng đơn vị thiếu dẫn đến quá tải trong những ngày qua. Mặt khác, những ngày gần đây, việc chuyển nhượng đất đai của người dân nhiều, ai cũng muốn làm nhanh nên đã dẫn đến việc quá tải”, đại diện Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chơn Thành cho hay.

c-1650596552.jpg
Nhiều người phải đến từ 3h sáng, đi lại đến 10 ngày vẫn chưa làm được sổ đỏ do số lượng hồ sơ đất đai tăng đột biến, trong khi năng lực giải quyết của văn phòng đất đai có hạn.

Cũng tại Bình Phước, thời gian trước, mạng xã hội từng không khỏi xôn xao khi xuất hiện clip ghi cảnh lãnh đạo và nhân viên một công ty bất động sản (BĐS) dựng rạp, dàn cảnh chạy, chốt giá đất nền, để tạo cơn “sốt đất” tại huyện Lộc Ninh. Ngay sau vụ việc, công an đã vào cuộc, xử phạt công ty bất động sản nói trên. Đồng thời, chính quyền tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo “siết” phân lô, bán nền, cấm tự mở đường.

d-1650596581.jpg
Hình ảnh các nhân viên công ty BĐS có trụ sở tại Bình Dương, dàn dựng cảnh tụ tập, dựng rạp trên khu đất trống đã được san nền, cắm mốc giới, rồi chạy đua đặt cọc mua đất tại tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) xuất hiện trên mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip)

Trước đó, ngành chức năng tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay, trên địa bàn việc tách thửa đất nông nghiệp diễn biến ngày càng phức tạp. Một số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh doanh nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và tự mở đường, tự phân lô chia tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở không đảm bảo quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Tỉnh ủy Bình Phước đã có công văn chỉ đạo về việc ngăn chặn tình trạng các 'dự án ma' lôi kéo người mua, lừa dối bán đất tự phân lô tách thửa. Động thái này được thực hiện khi thời gian vừa qua, tình trạng phân lô bán nền, tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tạo đường trên đất nông nghiệp để bán diễn ra khá phức tạp. Hiện nay một số người vẫn tiếp tục quảng cáo bán đất, lôi kéo người dân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… để bán đất.

Thậm chí có người còn tự vẽ quy hoạch chi tiết 1/500, giới thiệu là đất dự án khu dân cư được phê duyệt để lôi kéo người dân nhẹ dạ mua đất ở "dự án ma", nhất là trên địa bàn các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh.

Ngoài ra, Tỉnh ủy Bình Phước đã đề nghị các đơn vị, địa phương chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu liên quan buông lỏng quản lý đất đai. Bên cạnh đó, các địa phương phải thông báo công khai phê duyệt các Dự án khu dân cư cho người dân biết để tránh bị lừa đảo.

Các chuyên gia BĐS cho rằng, thực tế thì sau Tết là thời điểm hoạt động mạnh mẽ của các "cò đất", môi giới thiếu chuyên nghiệp, nhằm đẩy giá lên cao để "lướt sóng" kiếm lời, bằng cách tạo dựng tài liệu, hiện trường giả để tung tin, tạo "sóng", "sốt đất". Do đó rất cần những quy chuẩn chung và các quy định phạt rõ ràng cho các nhà môi giới trên thị trường BĐS, để buộc các nhân sự gia nhập vào lĩnh vực BĐS phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản đó nhằm giữ cho thị trường luôn ổn định, lành mạnh.

Đặc biệt, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật Sư TP Hà Nội cho rằng, để chấm dứt hiện tượng môi giới hoành hành, rao bán dự án “ma” công khai, cần có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và sớm đưa ra biện pháp xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý đất đai và giám sát chặt chẽ hoạt động môi giới, phổ cập thông tin pháp luật đối với người dân trên từng địa bàn./.