Từ ngày 1/7/2021, Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại toàn bộ các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây (tổng cộng 175 phường). Mô hình này có gì khác so với mô hình truyền thống và đem lại những lợi ích gì, nhất là đối với người dân?
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục
Chiều 2/7, đến làm thủ tục công chứng giấy tờ sổ hộ khẩu, anh Lê Tứ, trú phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm nhận lại giấy tờ ngay tại chỗ sau ít phút.
“Trước đây tôi thường phải đến làm thủ tục buổi sáng và buổi chiều quay lại lấy giấy tờ, giờ được lấy luôn không phải đi lại nhiều lần, rất thuận tiện”, anh Tứ cho biết.
Chị Đoàn Thị Thanh Ngọc, công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết, riêng trong sáng 1/7, chị đã tiếp nhận 10 hồ sơ và các hồ sơ này đã được ký, giải quyết ngay cho công dân. Trước đó, chị đã được hướng dẫn nghiệp vụ để có thể hoàn thành nhiệm vụ mới một cách tốt nhất.
Có mặt tại UBND phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm ngày 1/7, PV nhận thấy tấm biển ghi “Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Phú Diễn” đã được thay thế bằng “Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Phú Diễn”.
Chủ tịch UBND phường Phú Diễn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, nhờ có sự chuẩn bị nên việc triển khai chính quyền đô thị ở phường Phú Diễn diễn ra hết sức suôn sẻ.
“Ngày 30/6, Chủ tịch quận đã bổ nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường. Sau đó UBND phường rà soát toàn bộ và chuyển hồ sơ của cán bộ, công chức phường lên quận để đề xuất thành công chức do UBND quận quản lý. Các lao động hợp đồng ở phường đã được bố trí nghỉ việc. Phường đã ban hành quy chế làm việc để thuận tiện trong việc triển khai chính quyền đô thị”, ông Lương nói.
Tại quận Tây Hồ, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận cho biết, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó nên tình trạng những cán bộ dôi dư khi không còn HĐND phường cũng được khắc phục.
“Một số phường dôi dư cán bộ sau khi không còn HĐND phường thì sẽ chuyển về quận. Quận sẽ phân công về những phòng ban chuyên môn. Anh em được sắp xếp vào vị trí phù hợp để đón nhận nhiệm vụ mới”, ông Khuyến cho hay.
Ông Khuyến nhìn nhận, sau vài ngày thực hiện chính quyền đô thị ở cấp phường tại quận Tây Hồ đã thấy có sự chuyển biến tích cực rõ rệt. Đơn cử việc chứng thực các giấy tờ được triển khai nhanh chóng, từ đó thuận thiện cho người dân, khi công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện công việc này thay chủ tịch và phó chủ tịch phường.
Tương tự, ngày 1/7 vừa qua, quận Cầu Giấy đã trao quyết định bổ nhiệm 8 chủ tịch và 15 phó chủ tịch phường. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết, do đã ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu giấy tờ, văn bản, công việc của chủ tịch phường, phó chủ tịch phường được giảm bớt, người dân không phải chờ đợi.
“Tuy nhiên, công việc không “nhẹ nhàng” hơn, bởi với mô hình chính quyền đô thị, chủ tịch UBND phường điều hành hoạt động của phường trên cương vị thủ trưởng cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm cá nhân về mọi quyết định, điều hành của UBND phường. Trong khi trước đây, chủ tịch UBND phường chỉ thay mặt phường chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác”, ông Hưng nói.
Giảm bớt trung gian, tăng tính tự chủ
Bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1/7, Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ tại toàn bộ các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây.
Theo bà Hà, mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội sẽ phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị...
Trong đó, có một số điểm mới quan trọng là bỏ HĐND phường; UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng với chủ tịch UBND phường là người đứng đầu.
Biên chế công chức làm việc tại UBND phường sẽ chuyển thành biên chế công chức của UBND quận, thị xã. Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản...
“Việc tổ chức chính quyền đô thị hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội”, bà Hà cho hay.
Trước băn khoăn về việc giám sát chính quyền thế nào khi không còn HĐND phường, bà Vũ Thu Hà cho biết, tổ chức Đảng ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. HĐND quận sẽ giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận giao cho các phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND quận.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phường tập hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
“Việc không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND TP, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc... Như vậy quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao hơn”, bà Hà cho hay.
Việc giám sát UBND phường vẫn được hướng dẫn thực hiện theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, hàng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương. Căn cứ vào quy mô dân số của phường, chủ tịch phường có thể tổ chức đối thoại với nhân dân qua các đại diện tổ dân phố.
UBND phường phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo đến tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị đối thoại với nhân dân chậm nhất là 7 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND phường Phú Diễn khẳng định, địa phương sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.
“Nghị định số 32/2021/NĐ-CP đã quy định rất rõ ràng, chính vì vậy quyền giám sát và tính dân chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo khi không còn HĐND phường. Ngoài ra, việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phường tập hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết”, ông Lương nói.
Giảm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, mô hình thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường sẽ giúp bộ máy gọn nhẹ, thông suốt; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo phường, của HĐND quận cũng như tiết kiệm ngân sách.
Với số lượng từ 20 - 30 đại biểu HĐND mỗi phường, Hà Nội sẽ giảm khoảng 177 người là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường chuyên trách; giảm chi phí cho hoạt động của đại biểu HĐND phường khoảng 188 tỷ đồng/năm; giảm hàng nghìn cán bộ HĐND cấp phường. Những phần việc thuộc HĐND cấp phường trước đây sẽ do HĐND cấp quận đảm trách.
Bộ máy gọn nhẹ, bình quân 15 người
Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; phó chủ tịch phường; trưởng công an phường; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường; các công chức khác: Văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người.