Sau 10 năm bắt buộc mua bảo hiểm xe máy, lượt xe tham gia gần 100 triệu nhưng chỉ có 101 nghìn vụ nhận bồi thường trị giá trung bình 5 triệu/vụ.
 
 
Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh (bên trái) trao đổi với báo chí về các giải pháp xử lý các đơn vị bảo hiểm vi phạm thời gian tới. Ảnh: Lam Anh
 
Xử phạt doanh nghiệp bán bảo hiểm sai quy định
 
Ngày 22/5/2020, Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức gặp gỡ báo chí để cung cấp thông tin về tình hình quản lý các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có dấu hiệu vi phạm khi bán ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm có tính chất pháp quy như bảo hiểm TNDS bắt buộc.
 
Trao đổi với báo chí, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH) cho biết, đơn vị nhận được nhiều phản ánh về tình trạng đại lý bán bảo hiểm bắt buộc TNDS sai quy định (đại lý giảm giá chiết khấu 30% cho người mua), thời hạn bảo hiểm TNDS xe máy 2 năm, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường bảo hiểm "bán vỉa hè", người dân gặp khó khăn khi đòi bồi thường bảo hiểm... Trong đó vấn đề bồi thường bảo hiểm đang rất nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Về vi phạm của đại lý, ông Khánh cho biết trường hợp có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm về giá bán, chiết khấu sản phẩm bắt buộc TNDS cả xe máy và ô tô, Cục GSBH sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 33, Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Bản thân ông Khánh với tư cách một người lái xe, khi mang ô tô đi bảo dưỡng ở gara, cũng từng phát hiện những sai sót tương tự khi gặp người mời chào mua bảo hiểm TNDS.
 
Về loại bảo hiểm "bán ở vỉa hè", lãnh đạo Cục GSBH cho rằng đó là phương thức bán hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, không sai quy định về địa điểm kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên người đứng bán vỉa hè có thể vi phạm về điều kiện được bán bảo hiểm, tức là phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm, có hợp đồng đại lý mới được phép bán bảo hiểm. Ngoài ra việc tư vấn rõ ràng để người mua phân biệt loại bảo hiểm bắt buộc (TNDS) và tự nguyện bị bỏ qua, dẫn đến tình trạng người dân mua bảo tự nguyện vì rẻ hơn, nhưng không đúng loại bảo hiểm pháp quy bắt buộc khi đi xe máy ra đường.
 
Sửa Nghị định, giảm thủ tục thanh toán bảo hiểm
 
Về nội dung đòi bồi thường bảo hiểm quá khó khăn, phức tạp khiến dư luận bức xúc hiện nay, Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cho hay, ngay trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế nghị định 103/2008/NĐ-CP, theo đó đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe (hoặc lái xe), tăng tính chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm khi thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời hạn tạm ứng bồi thường bảo hiểm.
 
Sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu (trong đó số lượt xe máy khoảng 93,5 triệu).
 
Ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ, trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.
 
Chỉ 30% số phương tiện được mua bảo hiểm xe máy
 
Đáng chú ý, theo Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, dù đã triển khai 10 năm nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
 
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một đại diện bảo hiểm Bảo Việt cho hay, năm 2019 doanh nghiệp này bồi thường về TNDS khoảng 500 vụ tai nạn của chủ xe máy, trong khi Bảo Việt đang là đơn vị bảo hiểm chiếm thị phần lớn nhất hiện nay.