Kết cục đau lòng khi cha mẹ kéo theo con nhỏ tự vẫn
Thời gian gần đây có thể do mâu thuẫn gia đình, bế tắc trong cuộc sống… khiến nhiều người không chịu đựng nổi đã tìm đến cái chết. Nhưng điều đau xót hơn là nhiều người còn có ý định xa lìa cõi đời cùng những đứa trẻ vô tội, những đứa con ruột thịt của họ.
Khoảng 18h chiều ngày 27/5, người dân đi qua cầu Hao Hao (xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá) đã phát hiện 3 mẹ con nhảy cầu tự vẫn. Sau đó, người này hét lớn để mọi người tới ứng cứu. Trong lúc cả ba người đang chới với, rất may được người dân và nhân viên của Công ty môi trường Nghi Sơn kịp thời cứu sống. Nguyên nhân khiến người phụ nữ nhảy cầu có thể là do mâu thuẫn với chồng.
Cũng trong tháng 5/2022, tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của một người phụ nữ là giáo viên mầm non và 2 con nhỏ trên sông Thái Bình về phía hạ lưu cách vị trí nghi 3 mẹ con ngã xuống sông khoảng 1km. Nguyên nhân vụ việc đang được tiếp tục làm rõ song theo phỏng đoán ban đầu, có thể một phần xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến tự vẫn.
Trước đó, tháng 1/2021, tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cũng xảy ra vụ việc tương tự mẹ ôm 2 con nhảy xuống kênh tự vẫn. Năm 2019, tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một người mẹ đã ôm 2 đứa con nhảy cầu tử vẫn song 1 trong hai đứa trẻ đã vùng chạy thoát...
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) hiện là Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, thực tế đã xảy ra một số trường hợp cha mẹ tự tử kéo theo theo con cái, ép buộc con cái và người thân cùng chết với họ. Họ tự sát, tìm đến cái chết do nhiều nguyên nhân, có thể do quẫn bách trong cuộc sống, mâu thuẫn gia đình, nợ nần, tâm lý không ổn định, quẫn trí không tìm ra giải pháp…
"Có nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị tước mạng sống một cách rất đau lòng, quyền sống của các em bị tước đoạt chính người thân của mình. Chính cha mẹ chỉ hiểu cách đơn giản thà chết cho xong, và mang con cái chết cùng, rõ ràng hành vi đó phải lên án mạnh mẽ. Để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân do trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, tổ chức kể cả cơ quan nhà nước, nơi họ ở, họ công tác chưa tuyên truyền đầy đủ kịp thời chính sách, pháp luật, mặt khác chưa nắm bắt những diễn biến tâm lý của thành viên, hội viên để tư vấn tâm lý cho họ. Có thể mỗi người một việc sao nhãng không được phát hiện xử lý kịp thời, rộng hơn công tác truyền thông, giáo dục ý thức trách nhiệm đối với bản thân và gia đình, kỹ năng giải quyết tình huống xảy ra trong cuộc sống…", ông Bốn cho hay.
Cha mẹ kéo theo con mình tự vẫn: Tuyệt vọng đến cùng quẫn dẫn đến hành động nhẫn tâm gây tội ác
Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, pháp luật nghiêm cấm tất cả mọi hành vi tước đoạt sinh mạng người khác, đó là tội giết người. Tính mạng con người là tài sản vô giá nhất được pháp luật bảo vệ, quyền sống là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm nhưng có người lại bị tước đi.
"Có nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị tước mạng sống đi một cách rất đau lòng. Chính cha mẹ chỉ hiểu cách đơn giản thà chết cho xong, rõ ràng hành vi đó phải lên án. Để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân do trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, tổ chức kể cả cơ quan nhà nước, nơi họ ở, họ công tác. Có thể mỗi người một việc sao nhãng không được phát hiện xử lý kịp thời, rộng hơn công tác truyền thông, giáo dục ý thức…", ông Bốn cho hay.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Sơn, Chuyên gia tâm lý, Hội Tâm Lý Học Giáo Dục Hà Nội cho rằng, những gia đình kéo theo con trẻ quyên sinh vì họ nghĩ không ai thay thế chính cha mẹ có thể cho con một tương lai tốt đẹp nên hành động này xuất phát từ một tình yêu sai lầm. Những đỉnh điểm trong mối xung đột gia đình, bế tắc về tài chính hay trong cuộc sống khiến một số cha mẹ kéo theo con mình tự vẫn - một sự tuyệt vọng đến cùng quẫn dẫn đến hành động nhẫn tâm, gây tội ác.
"Họ cần biết mỗi đứa trẻ đều có quyền được sống và quyết định cuộc đời chính mình. Thế mới có chuyện một con trẻ vùng chạy thoát khỏi mẹ trong vụ nhảy cầu của người mẹ tại Tiên Lãng, Hải Phòng cách đây không lâu", ông Sơn nêu.
Ông Sơn cho rằng, có 3 tâm trạng thường xảy ra khi tự vẫn: Thứ nhất là tình trạng cô đơn do buồn chán thường được thể hiện bằng việc thiếu cảm giác kết nối không nơi bấu víu. Tiếp theo là sự trỗng rỗng thể hiện thiếu tự tin vào cuộc sống như đi vào ngõ cụt và cuối cùng là sự buồn chán dẫn đến tuyệt vọng thiếu đi động lực sống. Một cảm giác sang chấn khác khi trong tình trạng ghen tuông mù quáng cũng khiến họ cũng có những hành động bốc đồng.
"Những người cha mẹ này thường đối mặt với mối nguy hiểm của sự buồn chán mà muốn trốn tránh để giảm bớt nỗi đau cho bản thân khi lòng tự trọng bị hạ thấp cực điểm. Họ đã từ bỏ chính mình để tự đánh bại bản thân không mong được sống và quyết định không ai xứng đáng được chăm sóc tốt cho các con nhỏ của mình", ông Sơn cho hay.
Ông Sơn đưa ra giải pháp, nếu người thân hay bạn bè có thể chia sẻ cho những người có suy nghĩ tiêu cực thông điệp: "Đặc biệt khi cuộc sống trở nên khó khăn, chúng ta muốn bạn giữ thái độ tích cực, tin vào những điều tốt đẹp về bản thân và đối xử tốt với bản thân và vì cuộc sống của con thơ đều phụ thuộc vào điều đó. Đó chưa phải là ngày tận thế của thế gian này!"
"Tâm lý cùng cả gia đình thường diễn biến phức tạp: Bộ phim Downfall nổi tiếng có phân đoạn về Bộ trưởng Tuyên Truyền của Đức – Joseph Goebbels trong thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã sụp đổ, vợ ông ta đã thể hiện đầy đủ diễn biến trạng thái tâm lý này – Đúng với vai người mẹ yêu con vô bờ bến đã đầu độc con trước khi cùng chồng tự vẫn. Đây là một đoạn phim lột tả diễn biến đó một cách rõ nét nhất", ông Sơn đưa ra dẫn chứng.
Từ những vụ việc cha mẹ kéo theo con nhỏ cùng tự vẫn, ông Hà Đình Bốn cho rằng, cần có đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý, và cán bộ xã hội có kỹ năng để giúp những người đang bí bách trong cuộc sống được giải tỏa, tìm được lối ra. Tuy nhiên lực lượng này đang thiếu ở Việt Nam, sự cần thiết phải xây dựng mạng lưới cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp, rộng khắp và có kỹ năng tư vấn giỏi. Do vậy nhiều khi chính chúng ta cũng phải tự tư vấn cho chính mình do sức ép công việc, sức ép cuộc sống. Tư vấn thế nào để kìm chế tức giận, hạn chế bồng bột, kìm chế cảm xúc xử lý cho đúng. Dịch vụ đó chưa phát triển mạnh ở Việt Nam.
"Nếu ai đó trong đầu có tư tưởng muốn tự vẫn hoặc lúc nào cũng suy nghĩ đến nguy cơ bị đe doạ tính mạng cần đến bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý trị liệu để tư tưởng thông thoáng. Nếu thiếu về điều kiện vật chất, yêu cầu các cơ quan tổ chức cùng nhau hỗ trợ, giải quyết khó khăn, xác định nợ nần, vẫn nợ nhưng mạng sống quan trọng hơn tất cả, bởi sống mới có thể làm lại được của cải vật chất.
Pháp luật không quy định tước mạng sống những người do nợ nần quá nhiều, mà khía cạnh xã hội họ là nạn nhân cần bảo vệ, nếu họ được lý giải, tư vấn cả về tâm lý xã hội, pháp luật, vận động gia đình anh em cùng chia sẻ không đến nỗi đó. Nhà nước đã thành lập các trung tâm công tác xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, đã hình thành đội ngũ cán bộ xã hội, nhưng cũng không thể phủ hết mọi ngõ ngách cuộc sống, trong mọi gia đình. Việc này xảy ra trong từng con người một, trong mỗi gia đình một, ít bộc lộ ra ngoài nên khó phát hiện và tư vấn. Phải phòng ngừa bằng công tác giáo dục cho mọi công dân biết quý trọng mạng sống của mình. Mọi người nên nhớ mạng sống là quan trọng nhất, cha ông đã dạy 'còn người còn của", ông Bốn nói thêm./.