"Người dân không còn lựa chọn nào khác"
Cầu treo sông Giăng được xây dựng từ năm 1985, nằm trên tuyến Quốc lộ 46C (nối xã Thanh Liên và Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Cầu rộng 4m, dài 120m, tải trọng 10 tấn.
Đây là cây cầu dân sinh quan trọng, kết nối 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện Thanh Chương, nên hằng ngày có rất nhiều phương tiện qua lại. Tuy nhiên, sau gần 40 năm sử dụng, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu.
Không những vậy, làn cầu hẹp khiến việc lưu thông của các phương tiện, nhất là ô tô rất khó khăn. Thậm chí, trên cầu này đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người thiệt mạng.
Cụ thể, đêm 4/10/2020, chiếc ô tô 7 chỗ chở 3 người, gồm cả tài xế đang qua cầu treo sông Giăng thì va chạm với xe máy do một người đàn ông điều khiển, chở theo một người khác đang đi hướng ngược lại. Vụ tai nạn thảm khốc này khiến cả hai xe rơi xuống sông, 5 người đều thiệt mạng.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn do người điều khiển ô tô không làm chủ tốc độ. Đặc biệt hơn, còn một nguyên nhân nữa là do cầu treo đã xuống cấp, nên khi xe đi tốc độ cao có rung lắc làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Ông Hoàng Thanh Long, người dân xã Thanh Liên cho biết, qua cầu lúc nào cũng bất an vì rung lắc mạnh, rất nguy hiểm. Trong khi lượng người và xe cộ qua lại hằng ngày rất lớn, vì đây cũng là cây cầu duy nhất bắc qua sông Giăng để người dân các xã qua lại.
"Do đây cũng là cây cầu duy nhất bắc qua sông Giăng nên bà con không còn lựa chọn nào khác, mặc dù biết là tiềm ẩn nguy hiểm mỗi khi qua cầu. Nhiều hôm xe cộ qua lại nhiều, cầu bị tắc, rất nguy hiểm", ông Long nói.
Dự án thay cầu treo vẫn bị "treo"
Theo ghi nhận, các mố neo của cầu treo này hiện đã xuống cấp, bong tróc, cáp treo cũ kỹ, hệ thống lan can sức chịu lực kém.
Do cầu quá yếu nên cơ quan chức năng cho cắm nhiều biển cảnh báo hai đầu cầu, và cho dựng hàng rào cọc tiêu để hạn chế xe tải lớn qua cầu.
Từ đầu năm 2024, Khu Quản lý đường bộ II yêu cầu Công ty Quản lý xây dựng công trình giao thông 487 (đơn vị duy tu, bảo dưỡng cầu treo sông Giăng) thuê 2 người dân địa phương túc trực 2 đầu cầu để phân luồng giao thông. Các loại xe tải trên 5 tấn cũng bị cấm qua cầu.
Ông Nguyễn Thế Cường, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thanh Chương cho biết, sau vụ tai nạn khiến 5 người tử vong, huyện đã nhiều lần có tờ trình kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An xây dựng cầu mới bằng bê tông cốt thép thay thế cầu treo sông Giăng.
Trong các tờ trình, huyện Thanh Chương đều khẳng định, nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa qua cầu ngày càng lớn, nhưng do cầu yếu nên các xe có tải trọng lớn không thể đi qua, gây khó khăn cho người dân địa phương, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế khu vực.
Cầu nằm trên tuyến độc đạo trong khu vực đông dân cư, phục vụ đi lại, giao thương, sinh hoạt văn hóa cho khoảng 65.000 người dân trong vùng nên việc đầu tư dự án xây cầu mới là rất cần thiết và cấp bách.
Tháng 6/2024, Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu sông Giăng mới. "Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn "nằm trên giấy" vì chưa bố trí được vốn, trong khi chính quyền và người dân đều thấp thỏm, lo lắng về độ an toàn của cây cầu treo này", đại diện huyện cho biết.
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết thêm, cầu treo sông Giăng đã xuống cấp từ gần 10 năm trước. Những năm qua, dù đã nhiều lần được duy tu, bảo dưỡng nhưng cầu không còn đảm bảo an toàn, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
"Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị sớm xây cầu cứng bằng bê tông cốt thép thay thế cầu treo để đảm bảo an toàn. Tỉnh cũng rất quan tâm, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải sớm bố trí nguồn vốn để triển khai dự án, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên chưa triển khai được", ông Nhã nói.
Thực hiện chỉ đạo của Cục đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ II đang triển khai lực lượng, phối hợp các cơ quan chuyên trách kiểm tra, rà soát tất cả các cầu có kết cấu thiết kế giống cầu Phong Châu (Phú Thọ) là cầu Linh Cảm (Hà Tĩnh) và cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An nối Hà Tĩnh). Việc kiểm tra nhằm mục đích đảm bảo an toàn công trình cầu, đề phòng xảy ra các sự cố về cầu.