Hơn 200 người mất nhà sau lũ
Đã một tuần trôi qua kể từ khi cơn lũ lịch sử quét qua nhiều bản làng tại huyện vùng cao Kỳ Sơn, Nghệ An, vẫn còn đó cảnh hoang tàn, đổ nát.
Ánh nắng sau những ngày mưa lũ như gay gắt, chói chang hơn phản chiếu xuống bãi đất, đá, cây cối ngổn ngang - nơi chỉ mấy ngày trước là những ngôi nhà của bà con dân tộc Khơ Mú, bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn.
Trên chiếc giường xộc xệch, lấm lem bùn đất được đặt dưới gốc cây, những người phụ nữ và những đứa trẻ vẻ mặt còn ngơ ngác khi mà toàn bộ nhà cửa, tài sản đã bị cơn lũ cuốn trôi.
Chồng đi làm ăn xa, đã mấy ngày nay, chị Moong Thị Dự, ở bản Bình Sơn 1 cùng mẹ chồng và cậu con trai phải đi ở nhờ khi căn nhà của gia đình chị đã tan theo dòng lũ.
"Nhà bị lũ cuốn trôi hết rồi, mấy ngày nay phải đi ở nhờ nhà người khác trong bản", chị Dự nói.
Cũng như gia đình chị Dự, căn nhà của bà Moong Thị Nhỏm, trú tại bản Bình Sơn 1 cũng chẳng còn gì. Trận lũ quét kinh hoàng đã cuốn trôi căn nhà và toàn bộ tài sản, 9 thành viên trong gia đình bà phải đi tá túc nhờ nơi khác.
Bản Bình Sơn 1 có 8 gia đình bị lũ cuốn trôi, làm sập hoàn toàn nhà và tài sản. Những ngày qua, các hộ dân mất nhà phải đi ở nhờ những hộ gia đình khác trong bản.
Vừa trải qua nỗi đau mất vợ, mất mẹ, giờ đây ba bố con anh Nguyễn Quốc Khánh, trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ tiếp tục bị lũ đánh sập luôn căn nhà.
"Ngôi nhà bị hư hỏng nặng không ở được nên tôi và hai con phải đi ở nhờ nhà hàng xóm. Tài sản trong nhà cũng bị cuốn trôi, chưa bao giờ tôi rơi vào hoàn cảnh như thế này", anh Khánh buồn bã nói.
Sau trận lũ quét vào sáng 2/10, huyện Kỳ Sơn có 55 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu bị trôi, sập nhà hoàn toàn; 141 hộ bị ngập và hư hỏng nặng nhà cửa.
Cùng với đó, nhiều tài sản của người dân cũng bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Đặc biệt, hơn 200 hộ gia đình với trên 1.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi lũ quét tới đây sẽ buộc phải di dời, tái định cư đến nơi ở mới.
Khẩn cấp tìm nơi ở mới cho dân
Những ngày qua, lực lượng vũ trang được huy động, cùng chính quyền, người dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau trận lũ quét.
Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, một trong những vấn đề cấp bách trước mắt là lo nơi ở cho các hộ gia đình bị mất nhà. Song song với việc khắc phục hậu quả, lo công tác an sinh xã hội, huyện đang gấp rút khảo sát vị trí tái định cư cho người dân bị thiệt hại và nằm trong khu vực nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Minh, hiện địa phương đang khảo sát 3 vị trí trên địa bàn xã Tà Cạ để làm khu vực tái định cư cho người dân. Sau khi khảo sát xong sẽ đưa ra bàn, cho ý kiến để triển khai.
"Sau khi công bố quyết định khẩn cấp, huyện làm tờ trình lên tỉnh, nếu quá khả năng thì tỉnh sẽ trình lên Trung ương. Còn về phía huyện Kỳ Sơn sẽ không đủ khả năng, tiềm lực để thực hiện vấn đề này. Tổng cục phòng chống thiên tai đã vào khảo sát, lãnh đạo tỉnh cũng đã lên kiểm tra thực tế. Ngoài các nguồn lực của nhà nước hỗ trợ, cũng cần xã hội hóa để sớm triển khai cho bà con có nơi ở an toàn", ông Nguyễn Hữu Minh chia sẻ thêm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, đến thời điểm này, cùng với hỗ trợ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay của các cá nhân, đơn vị, tổ chức thiện nguyện giúp đỡ về nhu yếu phẩm đã tạm ổn.
Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Minh gửi lời cảm ơn đến những tấm lòng sẻ chia của các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp khắp mọi miền Tổ Quốc. Tuy nhiên, ông cũng rất nóng ruột khi điều kiện bảo quản của người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều nhu yếu phẩm nếu không được bảo quản tốt sẽ rất nhanh hỏng.
Đối với gần 200 hộ dân bị trôi, sập, hư hỏng nhà cửa, chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để làm nhà tạm, đồng thời các lực lượng chức năng sẵn sàng giúp đỡ bà con làm nơi ở tạm.
Mặt khác, huyện cũng đã bố trí các đầu mối để hướng dẫn, điều tiết nguồn hỗ trợ để làm sao sự giúp đỡ đến với bà con một cách hiệu quả, thiết thực, công bằng nhất; đồng thời huyện đã giao và sẵn sàng chịu trách nhiệm trong vấn đề điều tiết nguồn hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, có nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị trực tiếp vào với bà con, không thông qua các đầu mối của địa phương nên rất khó trong vấn đề kiểm soát, phân phối nên có những hộ dân được nhận quá nhiều hàng cứu trợ, có những hộ thiệt thòi hơn./.