a21d01f743b5aaebf3a4-1636336312.jpg

- Qua vụ việc ngộ độc cần sa của 13 học sinh lớp 10 của Trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long), bác sĩ cho biết sự nguy hại của chất cần sa đến sức khỏe con người, nhất là sức khỏe tâm thần, như thế nào?

+ Cần sa là loại ma túy chiết xuất từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Cần sa được phân thành 3 dạng chính, gồm marijuana (lá và hoa khô của cây cần sa, gọi là Cannabis), hash/hashish (nhựa của cần sa) và dầu hashish. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như cỏ, bồ đà, tài mà…, thường được sử dụng qua đường hút.

Cỏ Mỹ là một hỗn hợp thực vật được sao khô, cắt nhỏ, được tẩm ướp một số hóa chất có chứa chất cần sa tổng hợp. Loại hỗn hợp này được cuốn vào giấy rồi hút như hút thuốc lá. Đây là một loại ma túy cực mạnh, nguy hiểm hơn cả cần sa tự nhiên. Điều đáng lo ngại hơn nữa, gần đây trên thị trường còn có nhiều loại sản phẩm như bánh, kẹo, tinh dầu, thuốc lá điện tử có chứa chất cần sa tổng hợp và các chất phụ gia khác.

Trong cần sa có hoạt chất chính là THC (Tetra-Hydro-Cannabinol). Khi hút cần sa, THC sẽ nhanh chóng di chuyển từ phổi vào máu, mang hóa chất lên não và các cơ quan khác trong cơ thể. THC kích thích não giải phóng một chất được gọi là dopamine, mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm... Đây chính là lý do làm cho nhiều thanh thiếu niên sử dụng cần sa. Mức THC thường đạt cực đại trong khoảng 30 phút sau khi dùng và phải mất từ 1-3 giờ mới hết tác dụng. Trường hợp uống hoặc ăn thì phải mất nhiều giờ hơn để người dùng hoàn toàn tỉnh táo. Tùy theo loại cần sa, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, răng, miệng…) và sức khỏe tâm thần của người dùng.

Các triệu chứng của ngộ độc cần sa cấp tính như nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, vã mồ hôi, gây ho, buồn nôn, nôn, khô miệng, rối loạn nước điện giải, giảm vận động, co giật, hôn mê. Các triệu chứng tâm thần như thay đổi về nhận thức, về thời gian, thư giãn, khoái cảm; khó khăn về suy nghĩ và giải quyết vấn đề; giảm khả năng chú ý và trí nhớ, tăng nguy cơ gây tai nạn, gây ra các ảo tưởng, ảo giác, hoang tưởng hay kích động, gây hấn và nói năng lộn xộn...

Sử dụng cần sa với liều cao, kéo dài có thể gây hậu quả về mặt sinh học, tinh thần, hành vi và sức khỏe xã hội và gây ra các bệnh về gan, phổi, tim, mạch máu. Đồng thời, gây lệ thuộc, nghiện và gây các rối loạn tâm thần, chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút.

1910838-1907388-dai-uy-nguyen-minh-hoan-phong-csdt-toi-pham-ve-ma-tuy-cong-an-tinh-tuyen-truyen-phong-chong-ma-tuy-cho-hoc-sinh-truong-thpt-luong-the-vinh-tp-07335907-1636336346.jpg
Cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Cẩm Phả), ngày 5/10/2021. Ảnh: Hằng Ngần

- Riêng ở trẻ em, các chất cần sa ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Cần sa được sử dụng ở lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. THC có thể làm suy giảm chức năng suy nghĩ, trí nhớ, học tập và ảnh hưởng đến cách não bộ xây dựng các kết nối giữa các khu vực não với nhau.

Nếu phụ nữ khi mang thai sử dụng cần sa có thể dẫn đến sinh con nhẹ cân hoặc sinh non, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về não và hành vi ở trẻ sơ sinh, do THC có thể ảnh hưởng đến một số phần não đang phát triển của thai nhi; trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các vấn đề về sự chú ý, trí nhớ và giải quyết vấn đề. THC cũng được bài tiết qua sữa mẹ, khi người mẹ hút cần sa mỗi ngày và trẻ được bú sữa mẹ thì THC được truyền cho trẻ và gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ.

Sử dụng cần sa cũng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, như trầm cảm, lo âu, suy nghĩ tự tử ở thanh thiếu niên.

- Bác sĩ có cảnh báo gì tới người dân để phòng, tránh các sản phẩm có chứa chất gây nghiện cần sa?

+ Cần sa gây nguy hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần của người dùng, do vậy không sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào có chứa chất cần sa, đặc biệt là cần sa tổng hợp. Tại Việt Nam, cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong đời sống xã hội, nên dù bánh, kẹo chứa cần sa được sản xuất ở nước nào đưa vào Việt Nam cũng đều vi phạm pháp luật.

Hiện trên thị trường ở Việt Nam có nhiều loại sản phẩm tấn công vào giới trẻ thường có hình dáng rất kỳ quái, bắt mắt, có thể được trộn nhiều loại ma túy, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, loại bỏ những sản phẩm này.

Để không sử dụng nhầm các sản phẩm chứa chất gây nghiện THC, mọi người dân, nhất là giới trẻ, cần phải cảnh giác, tránh xa những sản phẩm giải trí bắt mắt nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, sát sao hơn tới việc ăn uống cũng như hoạt động của trẻ tại trường và ngay trong gia đình, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!