Mới đây, tại TP HCM, hai sinh viên tử vong và nhiều người nhập viện nghi do ngộ độc rượu. Theo lời khai của chủ quán nhậu, nhóm 8 sinh viên đã uống rượu pha với nước ngọt.
Sau đó một ngày, các triệu chứng bất thường đã xuất hiện. Hai người đã tử vong, 6 người còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Thông tin từ VNCDC, pha rượu với những loại nước có gas, bia, cà phê, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... rất có hại cho sức khỏe.
Khi pha chung với rượu, nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất; khiến chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh. Hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn, nguy kịch hơn so với thức uống thông thường.
Rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Lạm dụng rượu pha bia làm suy yếu sức khỏe, gây mệt mỏi, trầm cảm thậm chí là nghiện rượu.
Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2 làm quá trình hấp thu cồn nhanh hơn. Người uống bị đau đầu, chóng mặt. Ethanol có hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều, huống chi là cồn công nghiệp methanol.
Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn.
Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.
Người uống rượu pha nước ngọt quá nhiều sẽ dễ bị thừa cân béo phì. Đặc biệt, nếu đã bị rối loạn chuyển hóa hoặc đã bị tiền đái tháo đường, loại thức uống pha này sẽ dẫn đến đái tháo đường týp 2.
Tác hại khi pha rượu với nước tăng lực còn nguy hại hơn rất nhiều. Thông thường, khi uống rượu, cơ thể sẽ dần trở nên mệt mỏi để người uống biết điểm dừng. Tuy nhiên, khi có thêm nước tăng lực chứa hàm lượng cà phêe cao, người uống lại trở nên tỉnh táo và thường không đánh giá được mức say của mình.
Mức giới hạn cà phê/ngày của người trưởng thành khỏe mạnh là 400mg, và mức cồn giới hạn là 2 đơn vị, tuy nhiên khi trộn hai thức uống này với nhau, người dùng thường vượt quá mức cho phép.
Cà phê trong nước tăng lực ức chế tính gây buồn ngủ của rượu, khiến người uống vẫn tỉnh táo trong khi đáng lẽ đã say, ngất đi và ngừng uống. Điều này khiến nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.
Ngoài ra, hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ…
Theo số liệu báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở nước ta, nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%).
TS Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, cũng cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2019, sản lượng bia ở nước ta tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm. Đó là chưa kể đến số lượng rất lớn rượu thủ công, tự nấu không được thống kê.
Mức tiêu thụ rượu, bia ở người >=15 tuổi ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/ người/ năm, đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít.
Cũng theo TS Trần Quốc Bảo, rượu/bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8 - 14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2 - 12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9 - 18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ.
Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.