Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 08/7/2024 khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ lúc 13h phổ biến khoảng 34-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Tương Dương, Tây Hiếu 36,2 độ… độ ẩm tương đối phổ biến từ 55-65%, dự báo từ ngày 09/7/2024 khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 50-55%, từ khoảng 14-15/7/2024 nắng nóng có khả năng dịu dần.

Do ảnh hưởng của nắng nóng có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo) cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh từ ngày 09-  14/7/2024: Từ Cấp III - Cấp cao đến Cấp IV- Cấp nguy hiểm đối với các huyện, thị xã: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa; Từ Cấp IV – Cấp nguy hiểm đến Cấp V – Cấp cực kỳ nguy hiểm đối với các huyện, thành phố, thị xã: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai.

Để chủ động ứng phó, hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc quy định tại: Nghị định, Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn tỉnh, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm. Làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để phòng cháy và chữa cháy rừng.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
a
Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, Khu lâm viên núi Quyết, Khu vực Đền Cuông...); kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức PCCCR kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, các phương án PCCCR trên địa bàn huyện với phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác PCCCR.

Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành, thị có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xẩy ra cháy, phải chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng.

Sau khi dập tắt đám cháy, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm theo đúng quy định./.