Giờ đây, lại tá hoả vì vụ cháy tại quán karaoke An Phú trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Theo truyền thông đưa tin ngày 9/9 đã phát hiện 32 người thiệt mạng và cầu mong con số này không tăng trong vụ hoả hoạn đáng tiếc này.

Nhớ lại Hà Nội năm 2016 “bà hoả” ghé quán karaoke 68 Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng thương tâm; năm 2014 hoả hoạn tại quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, khiến 5 người không thoát khỏi; năm 2013 cháy tại quán ba Zone 9 đường Trần Thánh Tông làm 6 người tử nạn.

Trong năm 2014, quán karaoke ở phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cũng cháy khiến 4 người tử vong; và người dân vẫn chưa thể quên nỗi sợ hãi khi cháy chung cư Carina Plaza ở TP Hồ Chí Minh năm 2018 khiến 13 người thiệt mạng và còn nhiều vụ hoả hoạn thương tâm khác,…

Có một điểm chung trong các vụ cháy, là các công trình không đáp ứng đúng quy định về công tác phòng cháy chữa cháy, hoặc các thiết bị hỗ trợ phòng cháy chữa cháy không bảo đảm chất lượng, không hoạt động… Dư luận không quên những vụ người dân một số khu chung cư phản ánh đến cơ quan chức năng về hệ thống cứu hoả “có cũng như không” chỉ nhằm đối phó với các cơ quan chức năng; rồi nhà ống được cải tạo thành quán karaoke không có lối thoát hiểm, hoặc lối thoát hiểm được tận dụng làm kho chứa hàng…. Và vụ cháy ở Bình Dương vừa qua sở dĩ số người thiệt mạng lớn như vậy cũng do tình trạng “độc đạo”, không lối thoát hiểm,…

Qua đó, dư luận đặt dấu hỏi về việc cấp phép cho các cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke và công tác thẩm định, kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy ở các địa điểm nêu trên và một số khu chung cư có bảo đảm đúng quy định pháp luật? Có hay không những “khuất tất” trong vấn đề này (!?).

Trả giá về người và của trong hoả hoạn đã quá đắt. Nhưng chưa bao giờ muộn, ngay lúc này, các cơ quan chức năng cần phải thanh kiểm tra toàn bộ công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các khu chung cư, địa điểm kinh doanh karaoke. Nơi nào chưa bảo đảm, phải xử lí thích đáng, yêu cầu dừng hoạt động và khắc phục ngay lập tức. Đồng thời, những địa điểm xảy ra hỏa hoạn, hoặc địa điểm đã thẩm định, cấp phép, kiểm tra... nhưng đoàn kiểm tra khác lại phát hiện sai phạm thì yêu cầu xử lí mạnh tay, thậm chí cách chức, kỉ luật người phụ trách thẩm định, kiểm tra, cấp phép trước đó và cần siết chặt, toàn diện công tác phòng cháy chữa cháy.

Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, người dân phải luôn nêu cao tính tự giác đề phòng hoả hoạn ở mọi lúc, mọi nơi để không còn tiếng khóc của người vợ, người chồng, những đứa trẻ không rơi vào cảnh mồ côi; không còn cảnh cha, mẹ mất con… những chiến sĩ hi sinh vì “giặc lửa”./.