18 lao động mắc kẹt tại Hà Nội chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách....
18 lao động mắc kẹt tại Hà Nội chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách, cuộc sống của họ trở nên khó khăn, thiếu thốn.
Trong căn nhà rộng gần 40m2 ở phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 18 công nhân làm việc ở công trường xây dựng. Bao gồm cả nam, lẫn nữ, có cả những cặp vợ chồng, ở mọi độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung hoàn cảnh bị "mắc kẹt" do dịch Covid-19 nên không thể về quê.
Những lao động này chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình và Sơn La. 18 công nhân làm cùng một tổ, người làm thợ xây, người phụ hồ, người dọn dẹp công trình, nấu cơm.
Khi Hà Nội thực hiện giãn cách đợt 3, hơn 30 ngày nay, những lao động này không thể đi làm, không có thu nhập, tiền tích cóp thì cạn dần, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Bùi Văn Thơ và chị Ngần Thị Sương là đồng bào dân tộc Mường (Tân Lạc, Hòa Bình). Hai vợ chồng mới cưới nhau chưa được một năm, chồng bị dị tật, nói năng khó khăn còn vợ thì thể trạng gầy gò và yếu ớt. Ở quê không có việc làm, hai vợ chồng xuống Hà Nội làm phụ vữa, dọn dẹp công trình được 3 ngày thì có lệnh giãn cách xã hội.
"Chúng tôi mắc kẹt lại ở Hà Nội hơn 1 tháng nay, không còn tiền tích lũy. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ vào những người trong tổ, sau khi hết dịch tôi đi làm lại, có tiền sẽ trả cho họ", chị Sương chia sẻ.
Anh Bùi Anh Quyết (Tân Lạc, Hòa Bình), tổ trưởng tổ xây dựng cho hay, ngày 23/8, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày nữa, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhóm công nhân xây dựng của anh tiếp tục không có việc làm. Những ngày đầu giãn cách, nhóm công nhân xây dựng sử dụng tiền tích lũy ít ỏi trong những ngày làm việc trước đó để duy trì ăn uống, sinh hoạt. Nhưng tiếp tục giãn cách, cả nhóm không biết sẽ cầm cự được thêm bao lâu, họ chưa từng trải qua thời điểm nào khó khăn như lúc này.
Trong căn nhà ống được bao bởi những tấm tôn, ngổn ngang đồ đạc, cái nắng lúc 8h sáng cũng đủ để khiến cả căn phòng trở nên oi bức, ngột ngạt. Những chiếc quạt điện hoạt động hết công suất cũng không thể làm dịu đi cái nóng của mùa hè còn vương lại, dù trời đã sang thu.
Do đang trong thời gian giãn cách xã hội, các công nhân ở đây cũng không dám đi ra ngoài vì sợ bị phạt nên 18 con người cứ suốt ngày ở trong nhà.
Dịch bệnh thất nghiệp, không thể về quê, chừng đấy con người sống dựa vào nhau, cùng góp gạo thổi cơm chung. Bữa ăn hằng ngày phần thì dựa trên sự gom góp theo đầu người, phần thì trông chờ vào sự “tiếp tế” của chủ thầu để có đủ 2 bữa cơm chính trong ngày.
9h30 sáng, một tốp chị em trong tổ đã lục đục cùng nhau chuẩn bị bữa ăn trưa. Vừa làm, họ vừa nói chuyện, trêu đùa nhau, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu, không cuối cho vơi đi nỗi nhớ nhà.
Bởi có người gần nửa năm nay họ không được về quê, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân quay quắt nhưng vẫn phải nén nhịn, đợi cho dịch bệnh qua đi…
Đến gần 11h, mọi người cùng dọn cơm.
Bữa cơm trưa khá đơn giản, chia làm 3 mâm, mỗi mâm chỉ có một đĩa ngao xào dứa, một đĩa rau luộc, một ít lạc rang và một ít thịt luộc, bát canh rau…
Cứ thế, họ ăn uống, trò chuyện cho xong bữa.
Được biết, những ngày qua, trên địa bàn phường cũng đã có chương trình “bữa ăn 0 đồng” hỗ trợ những người lao động khó khăn; địa phương cũng có những đợt hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho người lao động.
Tuy nhiên, số lượng lao động tự do mắc kẹt trên địa bàn phường khá đông nên cần nhiều sự chung tay hơn nữa đến những đối tượng này để giúp họ phần nào vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh./.