campuchia-1661149579-1661150849.jpg
Các quan chức xuất nhập cảnh Campuchia và đại diện từ casino (Ảnh: Khmer Times).

Khmer Times ngày 22/8 đưa tin, tướng Keo Vannthan, phát ngôn viên cơ quan xuất nhập cảnh Campuchia, cho biết ông cùng cấp dưới đã tới một casino ở Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal - tỉnh giáp với An Giang, Việt Nam. 

Ông Vannthan xác nhận, Campuchia đã bắt giữ quản lý casino này, một người mang quốc tịch Trung Quốc. Theo tướng Vannthan, đối tượng này đã thừa nhận ép buộc những người lao động Việt Nam làm việc trái với ý muốn của họ.

Theo Khmer Times, vụ việc liên quan tới casino nói trên thu hút sự chú ý của dư luận sau khi một đoạn video ghi lại cảnh khoảng 50 người Việt Nam bỏ trốn khỏi đây. Sau đó, phần lớn trong số họ đã bơi qua sông Bình Di trốn về Việt Nam.

Những người trốn thoát được cho biết, họ đã bị lừa tới làm việc ở casino nói trên và mô tả điều kiện lao động tại đó "như địa ngục".

Theo cảnh sát Campuchia, phần lớn nhóm lao động Việt Nam đã bơi về Việt Nam, nhưng 11 người đã bị bắt lại.

Trong cuộc họp cuối tuần qua, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng nói với báo chí rằng, casino trên đã tuyển dụng bất hợp pháp các lao động và không trả mức lương như đã hứa cho họ.

"Họ (những người lao động bỏ trốn) được hứa hẹn trả lương cao nhưng không nhận được những gì họ mong muốn. Họ vượt biên (về Việt Nam) vì không thể đạt được thỏa thuận với người chủ", ông Sar Kheng cho biết.

Liên quan tới số phận của 11 người lao động Việt Nam bị bắt lại, tướng Vannthan cho hay, Campuchia đã thẩm vấn những người này. Các lao động giải thích, lý do họ bỏ trốn là do phía casino không làm đúng theo những gì đã thống nhất trong hợp đồng.

"Công ty hứa hẹn trả cho các lao động 800 USD mỗi tháng, nhưng quản lý trả cho họ từ 400-500 USD", ông Vannthan nói, bổ sung rằng 11 người Việt Nam hiện đang bị tạm giữ để chờ trục xuất vì "không ai trong số họ có hộ chiếu".

Thống đốc Kandal Kong Sophoan hôm 21/8 cho biết, cảnh sát Campuchia đang điều tra vụ việc trước khi quyết định bước tiếp theo.

Ông nói: "Chúng tôi khuyến khích các công ty tuân thủ luật lao động của Campuchia và tuân thủ các giấy phép kinh doanh và đảm bảo rằng nhân viên của họ thực hiện đúng nghĩa vụ, không sử dụng ma túy và cưỡng ép hoặc giam giữ người lao động".

Ông Kong Sophoan kêu gọi cảnh sát Việt Nam và Campuchia hợp tác giải quyết vấn đề này nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn.

Theo Khmer Times, nạn buôn người dưới vỏ bọc tuyển dụng lừa đảo tuyển dụng là vấn nạn mà Campuchia đang đối phó. Chiêu bài thường thấy của những kẻ tội phạm buôn người là hứa hẹn với người lao động về khoản lương cao để lừa họ tới Campuchia làm việc. 

Campuchia cuối tuần qua thông báo mở chiến dịch toàn quốc nhằm kiểm tra tất cả người nước ngoài đang sinh sống ở nước này, trong một nỗ lực giải cứu các nạn nhân buôn người./.