Nhiều F0 ra đường, vẫn cấm liệu có phù hợp?
Như Lao Động đã đưa tin, vừa qua Bộ Y tế đã đính chính F0 chỉ được ra khỏi phòng, không cho ra khỏi nhà. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra một đằng mà quy định lại một nẻo. Trong bối cảnh số ca mắc tăng cao như hiện nay, nhiều F0 không khai báo y tế vẫn phải ra ngoài tự mua thuốc và giải quyết công việc gia đình.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, hiện nay cần nới lỏng việc quản lý, không thể bắt buộc F0 trong nhà được nữa. Trước đây, khi phát hiện ca mắc COVID-19 thì nhân viên y tế, lực lượng chức năng đến tận nhà, đưa xe cấp cứu đến đón F0 tới khu cách ly, khu điều trị. Còn hiện tại, F0 đã rất nhiều, người bệnh được tự cách ly điều trị tại nhà mà không cần sự giám sát của nhân viên y tế thì quy định cấm này không còn phù hợp.
Bác sĩ Khanh đặt câu hỏi, nếu quy định F0 không được ra khỏi nhà thì họ sẽ đi khám bệnh kiểu gì, mua thuốc ra sao. Trong khi đó với bệnh truyền nhiễm thì F0 ra khỏi nhà cần đi bằng phương tiện cá nhân, luôn luôn đeo khẩu trang, có ý thức bảo vệ người xung quanh.
Bên cạnh đó, trung bình một tuần qua, mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 160.000 ca. Số F0 thực tế có thể cao hơn, bởi nhiều người khi có triệu chứng chỉ tự xét nghiệm và điều trị tại nhà, không thông báo với cơ quan y tế.
Rất nhiều gia đình tất cả thành viên là F0, các tổ COVID cộng đồng không thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu của họ. Thực tế đó buộc F0 phải ra ngoài mua thuốc, mua đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, bất chấp khả năng có thể bị phạt do vi phạm quy định cách ly.
Để khắc phục thực tế một đằng, quy định một nẻo, bác sĩ Khanh đề xuất nước ta cần sớm xem xét coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường để có các quy định ứng xử với người nhiễm, người nghi nhiễm cởi mở hơn.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM, F0 ra ngoài có thể không tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, nếu họ đeo khẩu trang và không tiếp xúc. Nhưng họ ra ngoài để làm gì? Nếu họ đến trạm y tế để xét nghiệm, lấy thuốc có thể phù hợp. Ngoài mục đích trên, việc F0 ra ngoài tiếp xúc với nhiều người, đến nhiều nơi chắc chắn tiềm ẩn nguy lây nhiễm", ông Dũng nói.
Theo chuyên gia này, các nguyên tắc cách ly vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có những phương án xử lý phù hợp, chi tiết với từng trường hợp nhất là trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 liên tục lập đỉnh như hiện nay.
Thay đổi nếu đưa COVID-19 ra khỏi bệnh đặc biệt nguy hiểm
Cùng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định không thể cấm tuyệt đối F0 không ra khỏi nhà. Trong khi đó, ngày 17.3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38 về chương trình phòng chống dịch COVID-19 để bình thường hoá cuộc sống. Trên cơ sở này, các địa phương cần áp dụng linh hoạt, các F0 không triệu chứng vẫn có thể đi làm bình thường.
Việc cho F0, F1 đi làm đã được một số nước trên thế giới áp dụng với những điều kiện rõ ràng để giải quyết bài toán nguồn nhân lực bị hao hụt lớn do dịch COVID-19. Nếu cứ cấm thì dù chỉ là đề xuất hay chính thức cho F0, F1 đi làm thì văn bản chỉ nằm trên giấy.
“F0 ra khỏi nhà cần tuyệt đối tuân thủ 5K, đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách. Khi đến cơ quan làm việc, F0 phải giữ khoảng cách với người khác, không tham gia hoạt động có thể phát tán virus”, ông Nga nói.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga đánh giá trong bối cảnh 2 năm tới khi Bộ Y tế chuyển COVID-19 từ nhóm bệnh truyền nhiễm A sang B, đây là một chuyển biến tốt, phù hợp với xu hướng trên thế giới.
Ông Nga phân tích, khi COVID-19 chuyển sang nhóm B, không có nghĩa là hết dịch. Bệnh chỉ chuyển từ nhóm “đặc biệt nguy hiểm” sang “nguy hiểm”, nới lỏng các hoạt động kinh tế-xã hội nhưng vẫn phải chống dịch, tiếp tục chương trình tiêm chủng.
Khi COVID-19 chuyển sang nhóm B, người dân vẫn tuân thủ các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay. Ông Nga nhấn mạnh phải bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ có bệnh nền, các bệnh viện vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, thực hiện theo dõi bệnh nhân và đề phòng việc bệnh nhân COVID-19 vào ở chung với bệnh nhân thường./.