Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, việc chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám đã được nâng tầm, trở thành nghệ thuật cách mạng.

Từ sự nhận định rất sớm và chính xác "thời cơ vàng" ...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là quá trình chuẩn bị chu đáo từ nhiều phần nhưng bên cạnh đó không thể không nói tới việc nắm bắt và xác định thời cơ hết sức tài tình của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

h-1724035718.jpg
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. Ảnh tư liệu TTXVN

Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra và lan rộng khắp châu Âu, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ, Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 7 (11-1940) đã được tổ chức tại Ðình Bảng (Bắc Ninh), đã nhận định về thời cơ của cách mạng Việt Nam: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Ðảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Ðông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập.

Tháng 5/1941, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tiếp tục đã dự báo: “Ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Nghị quyết của Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Giữa năm 1944, tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn quyết liệt. Quân đội Xô-viết phản công quân Ðức thắng lợi trên nhiều mặt trận. Ở mặt trận Thái Bình Dương, lực lượng Pháp hoạt động ráo riết, chờ quân Ðồng Minh đổ bộ vào các nước Ðông Dương sẽ nổi lên đánh Nhật, khôi phục lại quyền thống trị của chúng. Đảng và Bác Hồ nắm bắt nhanh thời cơ này bằng việc ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về "Sửa soạn khởi nghĩa" để đẩy mạnh phong trào cách mạng lên một bước mới.

Tháng 10/1944, khi chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu đi đến hồi kết, Bác Hồ nhận định: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”.

Tối 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp, cũng đêm hôm đó Ban Thường vụ Trung ương họp phiên mở rộng, đưa ra nhận định: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Để đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa, giữa tháng 4/1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ quyết định đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, thống nhất sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân.

Tháng 7/1945, chiến tranh thế giới lần thứ 2 đi đến hồi cuối, phát-xít Nhật bại trận mất tinh thần và giữa tháng 8/1945 đã đầu hàng Đồng Minh. Thời điểm này 16.000 quân Anh chưa vào miền Nam và 200.000 quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; còn chính quyền tay sai thì như rắn mất đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm bắt rất rõ về khả năng đầu hàng của quân Nhật cũng như tinh thần cách mạng sôi sục của quần chúng nhân dân, vì thế Người cho rằng phải chớp thời cơ “nghìn năm có một” này. Người ra chỉ thị : ".. dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Đây cũng chính là thời điểm, Đảng, Bác Hồ hiểu rất rõ rằng khoảng thời gian hai mươi ngày, từ ngày 15-8-1945 (Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh) đến ngày 5-9-1945 (quân đồng minh kéo vào nước ta để giải giáp quân Nhật) là khoảng thời gian chín muồi nhất để tiến hành tổng khởi nghĩa, rằng: “cần phải tranh thủ từng giây, từng phút tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội".

Người khẩn trương chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14- 15/8/1945). Hội nghị quyết định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Ngay sau Hội nghị toàn quốc đại biểu của Đảng, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội khai mạc ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Đại hội cũng quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam-“cũng như một Chính phủ lâm thời của ta lúc này”. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng.

hh-1724035744.jpg
Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước được truyền đi khắp nơi trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945). Ảnh: Hochiminh.vn

Ngay sau đó, ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”

Như nhìn nhận của Đại tá, PGS,TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, thời cơ Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, trong vòng hai tuần lễ, nhưng đó là “thời cơ vàng” mà Đảng ta đã chớp lấy lãnh đạo toàn dân, dốc toàn lực tung ra đòn quyết định giành chính quyền trong cả nước. Tổng khởi nghĩa nổ ra vào thời điểm khi mà ở trong nước, cao trào kháng Nhật, cứu nước đã phát triển lên đến đỉnh cao, quân đội Nhật Bản ở Đông Dương mất nhuệ khí, không còn chỗ dựa, nhiều đơn vị quân Nhật đã bị “trung lập hóa”; quân đội Anh, Pháp, Tưởng thì chưa kịp kéo vào.

Tới cuộc cách mạng thần tốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Từ chủ trương “không thể để lỡ cơ hội”, với tinh thần "không thể chậm trễ”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.

"Không câu nệ, tỉnh, huyện hay xã mà địa phương nào điều kiện chín muồi thì thực hiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước", từ ngày 14 đến ngày 18/8, tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam...

m-1724035769.jpg
Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, từ 13-25/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân, các địa phương trong cả nước đã giành thắng lợi mà không tổn thất lớn về lực lượng. Cuộc cách mạng tháng Tám trong mắt nhìn của các nhà quan sát, các sử gia, trở thành một trong cuộc cách mạng thần tốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Hơn thế nữa, cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 là minh chứng cho nghệ thuật chớp thời cơ tài tình của Đảng ta và Bác Hồ. Như nhìn nhận của Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an: "Đầu tháng 8/1945, phát xít Đức, Ý thua ở châu Âu, đến ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Đây là khoảng trống quyền lực cần phải chớp thời cơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc Cách mạng 19/8, nếu chậm khoảng 2 tháng nữa nguy cơ đổ máu sẽ nhiều hơn. Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ thời cơ, tận dụng thời cơ một cách tối đa để Cách mạng tháng Tám thành công".