Bày trí ban thờ gia tiên

Bày bàn thờ ngày Tết là việc sắp xếp, bài trí các loại đồ cúng, đồ trang trí trên bàn thờ sao cho đầy đủ, gọn gàng và hợp phong thủy bàn thờ. Tùy từng vùng miền nhưng nhìn chung việc bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết gồm những vấn đề cơ bản như sau:

- Bát hương: Gia chủ cắm cây nhang vòng lớn ở giữa, xung quanh cắm thêm các loại nhang khác. Có thể đặt 2 bát nhang nhỏ khác ở hai bên trái, phải của bát hương chính. Thường thì các gia đình chỉ có một bát hương, ba bát hương cho các bàn thờ lớn hoặc dòng họ.

io-1707210053.jpg
Bày trí ban thờ gia tiên, mâm ngũ quả ngày Tết 2024

- Đỉnh đồng (nếu có): Đặt ở trung tâm, ngay sau bát hương chính.

- Nến thơm, đèn dầu: Hai bên của 2 bát hương phụ thường là hai cây đèn dầu hoặc hai ngọn nến (thơm).

- Hạc đồng, lọ hoa, chân nến: Đặt ở hai bên bàn thờ ngày Tết. Thường sử dụng hoa cúc, hoa đào, mai, lay ơn để cắm ngày Tết.

- Mâm ngũ quả: Đặt phía trước bát hương.

- 2 lọ hoa: Cắm hoa tươi (hoa cúc, mai, đào…), đặt ở hai bên của ban thờ.

- Chén nước, rượu: Đặt song song ngang hàng hoặc ngay phía dưới mâm ngũ quả.

- Lễ vật dâng cúng: Gồm vàng mã, giấy áo, bình rượu ngon, xung quanh bày thêm bánh trái, mứt để tạo sự cân đối cho bàn thờ.

- Mâm cỗ cúng gia tiên: Được bày biện chu đáo và đẹp mắt với những món ăn ngày Tết cổ truyền như bánh chưng, bánh tét, gà luộc, đĩa xôi, chả giò, nem cuốn, cơm canh… Mâm cỗ này thường có nhiều món nên không đủ chỗ bày biện trên cao mà đặt ngay phía dưới bàn thờ.

Khi cúng tất niên và cúng hóa vàng tiễn tổ tiên ngày Tết, sau khi tàn hương thì con cháu dọn đồ cúng xuống thưởng thức. Riêng với hoa quả sẽ để lại trên bàn thờ khoảng 1-2 ngày sau mới hạ xuống.

Bày trí mâm ngũ quả ngày Tết

Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: Thuỷ - Hỏa - Mộc - Kim - Thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có các màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - Quý (sang trọng) - Thọ (sống lâu) - Khang (khỏe mạnh) - Ninh (bình yên).

Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người Nam Bộ có cách đọc lái âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) - Sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - Vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) - Đủ (đơn tiết hóa của đu đủ và xài - là cách đọc chệch của âm xoài). Trong khi đó, người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của Đức Phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Đặc biệt là chuối và bưởi là không thể thiếu vì nó tượng trưng cho vuông - tròn, âm - dương. Và 5 thứ quả không nên tùy tiện, phải được lựa chọn kỹ lưỡng, quả tròn trịa, có hương, có sắc. Tránh những thứ quả có gai, có lá sắc để không mang sát khí hoặc những quả có mùi thơm không thuần phác như dứa, mít, sầu riêng…