Theo các chuyên gia, Internet đã và đang là công cụ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin, liên lạc và khám phá kiến thức mới. Tuy vậy, Internet cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và cạm bẫy.

Đặc biệt, gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là khoảng thời gian được các chuyên gia nhận định gia tăng mạnh các vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Những hình thức lừa đảo phổ biến gần đây

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cảnh báo 5 chiêu lừa đảo trực tuyến mới được các nhóm đối tượng sử dụng nhằm chiếm đoạt thông tin, tài sản của người dân.

Thủ đoạn 1 là "Nhờ chuyển tiền làm việc thiện". Đối tượng sẽ dùng Facebook giả mạo là người thân của nạn nhân, thậm chí sử dụng công nghệ AI gọi video nhằm lấy lòng tin, nhờ chuyển tiền giúp đỡ đồng hương.

Thủ đoạn 2 là "Giả mạo VTV tuyển thí sinh thi "Lễ hội áo dài Xuân Giáp Thìn 2024", với nhiều quyền lợi đi kèm, dẫn dụ nạn nhân truy cập trang web giả mạo VTV, từ đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để thực hiện các thử thách trực tuyến.

Thủ đoạn 3 là các đối tượng lừa đảo lợi dụng lỗ hổng trên một số trang mạng điện tử có đuôi .gov.vn hay .com.vn để dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng chứa mã độc và sử dụng mã độc này đánh cắp thông tin ngân hàng, chiếm quyền điều khiển thiết bị của người dùng .

Thủ đoạn thứ 4 là lừa "bán xe xịn giá rẻ".

Thủ đoạn thứ 5 là "Lừa đảo qua dịch vụ hẹn hò trực tuyến, bằng hình thức làm nhiệm vụ".

re-1707101914.jpg
Hình thức lừa tình qua mạng xã hội

Ngoài ra, tội phạm lừa đảo còn sử dụng nhiều hình thức khác như lừa đảo thương mại quốc tế, thu hồi nợ treo, lấy lại tiền bị lừa qua mạng, các cuộc gọi giả danh cán bộ Công an, bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử, App chứng khoán "ảo" 30S, Virus đánh cắp tài khoản…

Lừa đảo thương mại quốc tế

Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặp rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường Âu - Mỹ. Thương vụ Việt Nam tại một số nước như Hà Lan, Tây Ban Nha, Canada đã cảnh báo doanh nghiệp về các hiện tượng lừa đảo trực tuyến, tuy nhiên số lượng vụ lừa đảo vẫn không giảm.

Theo Bộ Công Thương, một lý do dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo thương mại quốc tế là bởi doanh nghiệp có xu hướng chủ quan, sơ hở trong tiếp cận, soạn thảo điều khoản hợp đồng và cam kết. Dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế.

Để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ: Khi nhận được những đề nghị kỳ lạ, doanh nghiệp cần xác minh rõ ràng thông tin của đối tác; không nên vội tin vào những lời mời chào hấp dẫn của khách hàng mới quen trên không gian ảo. Ngoài Thương vụ Việt Nam tại các thị thường quốc tế, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội và TP.HCM để được hỗ trợ.

Cục An toàn thông tin lưu ý thêm, hacker có thể xâm nhập hệ thống thư điện tử của doanh nghiệp để mạo danh giao dịch và sửa thông tin tài khoản ngân hàng trên hóa đơn. Vì thế, trường hợp nhận được một email thông báo của khách hàng lâu năm thay đổi số tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp cần cảnh giác.

Hội nhóm lừa đảo “thu hồi nợ treo”: Thời gian qua, có tình trạng nhiều người đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác với số tiền có khi lên tới hàng tỷ đồng bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng. Chiêu trò của các đối tượng lừa đảo dù không mới nhưng rất tinh vi nên khiến cho nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy.

Hiện tại trên Facebook, các hội nhóm có tên ‘Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo’, ‘Lấy lại tiền bị lừa qua mạng’… xuất hiện tràn lan kèm theo các trang web giả mạo với giao diện tương tự website của đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư… Phía dưới các bài đăng là hàng loạt tin nhắn bình luận có nội dung “đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết”.

Những bài bình luận, hoặc tin nhắn trong các hội nhóm giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.

Đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người dùng gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với cơ quan chức năng của Việt Nam.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên không gian mạng. Biện pháp quan trọng là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, bởi việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó. Trường hợp đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo.

Các cuộc gọi giả mạo cán bộ Công an

Công an quận Tây Hồ, Hà Nội gần đây đã điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 4,5 tỷ đồng. Nạn nhân là bà N trú ở quận Tây Hồ, đã nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ công an, thông báo bà có liên quan đến vụ án rửa tiền, buôn bán ma túy và yêu cầu kê khai tài sản, chuyển tiền phục vụ công tác điều tra.

Từ vụ việc trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Theo Cục An toàn thông tin, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự lành mạnh của thị trường.

Các đối tượng thường sử dụng nhiều số điện thoại để gọi điện liên lạc trực tiếp với người mua và chia nhỏ số tiền lừa đảo được sang nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Ngoài ra, đối tượng còn giả danh nhà xe gọi cho người mua thông báo đã nhận được hàng gửi, đồng thời hẹn thời gian và địa điểm để giao hàng. Tiếp đó, nhóm lừa đảo yêu cầu người mua chuyển tiền để đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dân nên lựa chọn những nền tảng uy tín, có đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước. Trước khi tiến hành đặt mua bất kỳ mặt hàng nào trực tuyến, người tiêu dùng cần tham khảo thêm giá cả sản phẩm, nhận xét, đánh giá của người mua trước, hoặc liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các thắc mắc.

Người dân cũng cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng; đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm.

App chứng khoán "ảo" 30S

Thua lỗ chứng khoán thật, mất tiền chứng khoán "ảo". Đây là tình cảnh của không ít nhà đầu tư trong năm qua, khi thua lỗ chứng khoán cơ sở, mong muốn gỡ lại thật nhanh, nên khi thấy các ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo quảng cáo nhiều ưu đãi hấp dẫn, đã vội vã xuống tiền tham gia ngay. Và cuối cùng là mất "cả chì lẫn chài", khi các ứng dụng "ảo" này bỗng dưng biến mất.

Virus đánh cắp tài khoản

Năm 2023, hệ thống giám sát và cảnh báo virus của Bkav ghi nhận có tới 745.000 máy tính bị nhiễm virus đánh cắp tài khoản, tăng 40% so với năm 2022. Phát tán mạnh nhất như RedLineStealer, ArkeiStealer, Fabookie… đều nằm trong top 20 dòng virus lây nhiễm mạnh ở Việt Nam.

Nếu như năm ngoái, các virus này vẫn còn "sơ khai", chỉ đánh cắp dữ liệu tài khoản, mật khẩu, cookies… thì năm nay, chúng đã được "nâng cấp"để đặc biệt nhắm vào các tài khoản Facebook Bussiness, truy vấn thêm các thông tin về phương thức thanh toán, số dư... Khai thác thành công, hacker sử dụng chính tài khoản nạn nhân để âm thầm chạy quảng cáo thay vì ngay lập tức chiếm tài khoản hòng kiếm thêm lợi nhuận, nâng cao thứ hạng (SEO) các trang web phát tán mã độc...

Các dòng virus đánh cắp tài khoản chủ yếu lây lan qua các phần mềm bị bẻ khóa (crack). Điều này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của Bkav khi có tới 53% máy tính tại Việt Nam có sử dụng phần mềm crack. Dẫn tới khoảng 10% người dùng tại Việt Nam bị mất tài khoản mạng xã hội, email, ngân hàng... Những tài khoản bị đánh cắp này sẽ bị kẻ xấu sử dụng để tiếp tục lừa đảo bạn bè, người thân của nạn nhân.

Giả mạo VTV tổ chức tuyển sinh Trạng nguyên nhí

Trạng nguyên nhí là sân chơi kiến thức do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện dành cho các em nhỏ. Sau 3 mùa giải, chương trình đã trở thành điểm hẹn yêu thích của nhiều khán giả nhí và các bậc phụ huynh. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội đã có hành vi lợi dụng danh nghĩa, giả mạo thương hiệu chương trình để thực hiện hành vi lừa đảo.

Trong khi chương trình Trạng nguyên nhí chưa có kế hoạch sản xuất năm 2024, nhưng trên mạng xã hội, không khó bắt gặp các tài khoản, trang tin có tên Trạng nguyên nhí 2024, Trạng nguyên nhí mùa 4…

Các trang này liên tục đăng bài giới thiệu tuyển ứng viên tham gia chương trình Trạng nguyên nhí trong năm 2024. Đây đều là các trang tin giả mạo.

Những hình ảnh, thông tin do các đối tượng đưa ra được thiết kế tinh vi khiến nhiều khán giả và bậc phụ huynh dễ dàng tin tưởng và bị mắc lừa. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho khán giả và tổn hại tới uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam.

Nếu trên trang tin Facebook hay các nền tảng mạng xã hội xuất hiện những bài đăng tuyển ứng viên tham gia "Trạng Nguyên nhí" hay nhiều chương trình truyền hình khác, người dùng cần hết sức cẩn trọng. Một số nạn nhân đã mất cả tỷ đồng vì sập bẫy thủ đoạn lừa đảo mạo danh các chương trình truyền hình.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo tài chính trực tuyến

Việt Nam hiện có hơn 99 triệu dân thì có tới hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại, để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Có những ứng dụng lừa đảo trực tuyến gây tổn thất về tài chính hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Khoảng thời gian cận Tết như thời điểm hiện tại, không ít người đã bị rơi vào bẫy lừa đảo khác, như gọi điện thoại giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa đảo tuyển cộng tác viên, việc làm online, hay lừa vay tiền qua các ứng dụng. Và để kịp thời cảnh báo cho người dân, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, để cảnh báo, cũng như ngăn chặn vấn nạn này.

Những video clip ngắn về tình huống lừa đảo trực tuyến, cách nhận biết như thế nào, nạn nhân tổn thất ra sao có thể dễ dàng truy cập trên website, kênh Tiktok hay Facebook chính thức của , sở hữu bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện Bộ cho biết, mục tiêu của Cổng không gian mạng này là giúp người dân quen dần, qua đó nhận biết ngay dấu hiệu lừa đảo khi bị kẻ xấu tiếp cận.

Ông Nguyễn Phú Lương - Phó Trưởng phòng Giám sát An toàn thông tin, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết: "Cục An toàn thông tin của Bộ đang phát triển và vận hành 2 bộ công cụ. Một là công cụ về lừa đảo trực tuyến hướng dẫn ng dân biết về kỹ năng lừa đảo trên web congcu.khonggianmang.vn. Trang thứ 2 là dauhieuluadao.com. Cung cấp đầy đủ kiến thức về lừa đảo, cung cấp bài test cho người dân vào làm và tự trải nghiệm."

Theo các chuyên gia, một trong những biện pháp nhận biết dấu hiệu lừa đảo trực tuyến hiệu quả nhất là cần hết sức cảnh giác khi đối tượng đề cập đến tài khoản ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh chia sẻ: "Dù chuyện gì cũng phải nhớ: khi các đối tượng yêu cầu chuyển tiền thì phải tỉnh táo. Bởi vị họ mời bạn vào để kiếm tiền, nhưng chưa kiếm được thì đã mất tiền. Nên dừng lại để tránh bị lừa đảo sâu hơn."

Giải pháp quan trọng nữa là mỗi người dân hãy tự nâng cao cảnh giác, trước những lời mời chào đầu tư với lãi suất cao bất thường, không truy cập vào những trang web không rõ nguồn gốc và thực hiện các biện pháp tự bảo vệ tài khoản cá nhân.

Trong ‘Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến’ phát hành hồi trung tuần tháng 6/2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã điểm ra 15 hình thức lừa đảo nhắm đến nhóm đối tượng người cao tuổi như: Lừa đảo ‘combo du lịch giá rẻ’; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo ‘khóa SIM’ vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng...

Với mong muốn đưa ra những hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu để giúp người Việt Nam, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có thể sử dụng mạng Internet một cách an toàn và hữu ích, Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Google thực hiện cẩm nang “An toàn trực tuyến”.

Các nội dung trong cẩm nang “An toàn trực tuyến” được chọn lọc, thể hiện dưới hình thức infographic dễ nhìn, dễ hiểu và áp dụng. Cẩm nang cũng được gán mã QR code để mọi người dễ dàng hơn trong việc sử dụng làm ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân.

Cụ thể, 5 nhóm nội dung chính được nhóm biên soạn chọn đưa vào cẩm nang “An toàn trực tuyến” gồm bảo mật tài khoản, chia sẻ sáng suốt, phòng tránh lừa đảo trực tuyến, nguồn tham khảo hữu ích và báo cáo các hành vi có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến.

Trong đó, ở nội dung “Phòng tránh lừa đảo trực tuyến”, ngoài việc nêu ngắn gọn khái niệm về lừa đảo trực tuyến, ấn phẩm cũng điểm ra các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, cách nhận biết lừa đảo, nguyên tắc phòng tránh lừa đảo, cần làm gì khi đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến...