Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương: Quảng Bình, Bắc Ninh, Cà Mau, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Quảng Nam, Bình Định, Nghệ An, Hà Giang.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ CCHC
- Nghệ An: Ban hành chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú
- Tình trạng quá tải ở Trung tâm dịch vụ hành chính công TP. Vinh (Nghệ An): Đừng phó mặc cho người dân theo kiểu "hành là chính"?
- Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Trong 9 tháng đầu năm 2024, công tác đánh giá tác động thủ tục hành chính (TTHC), thẩm định quy định TTHC đã được các địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định. Các địa phương cũng đã tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ. Tuy nhiên cả 10 địa phương đều chưa công bố đầy đủ TTHC nội bộ sau khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5990/VPCP-KSTT ngày 22/8/2024 để tham khảo triển khai.
Các địa phương đã ban hành các Quyết định công bố danh mục TTHC và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tuy nhiên, qua theo dõi, việc công bố, công khai TTHC tại các địa phương chưa đầy đủ, kịp thời. Trong đó, tỷ lệ công bố đúng hạn của các địa phương cao nhất là: Cà Mau đạt 71,1%, Bình Định đạt 58,85%, Thừa Thiên Huế đạt 56,41%; tỷ lệ công khai TTHC đúng hạn của các địa phương cao nhất là: Bình Định đạt 75,03%, Cà Mau đạt 72,03%, Thừa Thiên Huế đạt 68,55%.
Các địa phương đã hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; đồng thời, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số hệ thống thông tin khác. Tuy nhiên, đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC các địa phương mới kết nối 7/80 (đạt 8,8%) CSLD, hệ thống thông tin dịch vụ công tập trung thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành.
Các Bộ, địa phương đang tập trung rà soát chuẩn hóa tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Việc triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến đã được các địa phương chủ động thực hiện và đạt một số kết quả nhất định, tuy nhiên chưa đồng đều ở các địa phương. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách, TTHC được các địa phương thực hiện tốt…
Tại hội nghị, các địa phương đã đề xuất, kiến nghị các nội dung thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Chính phủ như: Nâng cấp Cổng DVCQG bảo đảm tiện ích, dễ dùng; đề nghị chỉnh sửa chức năng thống kê, trích xuất danh sách các hồ sơ quá hạn; đề nghị ban hành Danh mục thành phần hồ sơ phải thực hiện số hóa, đồng thời quy định về hình thức số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ; nâng cấp hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG để kịp thời cập nhật trạng thái “Đã thanh toán” đối với những hồ sơ đã thực hiện thanh toán trực tuyến thành công…
Công tác cải cách TTHC, kiểm soát quy định TTHC được tỉnh Nghệ An quan tâm chú trọng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác CCHC, tạo môi trường thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư nên công tác cải cách TTHC, nhất là kiểm soát quy định TTHC được quan tâm chú trọng.
UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát và thực hiện quy định TTHC; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp; ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các Kế hoạch để triển khai toàn diện hoạt động kiểm soát TTHC và giao các Sở, ban, ngành chủ trì thực hiện các nội dung.
Việc công bố, công khai TTHC được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. 100% TTHC sau khi công bố đã được xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử và được công khai trên Cổng DVCQG và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh theo đúng quy định.
Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 30/10/2024, tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 1.069.513 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn: 1.023.352 (tỷ lệ 95,68%). Số hồ sơ đồng bộ với Cổng DVCQG là 976.253 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 45,3%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 46,56%...
Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVCQG; kết nối giữa Hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông, phần mềm hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để triển khai hiệu quả 02 nhóm TTHC liên thông điện tử: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT; đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí; đã hoàn thành việc kết nối hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp để thực hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID…
Việc triển khai Đề án 06/CP đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo bằng các giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo (13/27 nhiệm vụ hoàn thành; 8/27 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên; 5/27 nhiệm vụ đang triển khai; 01/27 nhiệm vụ chưa hoàn thành)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Nghệ An vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Việc đánh giá tác động của quy định hành chính chưa được cơ quan chủ trì tham mưu chú trọng, còn mang tính hình thức; chưa có nhiều kiến nghị cắt giảm, đơn giản hoá thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết TTHC; nguồn lực của tỉnh để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị tại Bộ phận Một cửa, đặc biệt là các huyện, xã miền núi còn khó khăn; nguồn lực đầu tư thực hiện Đề án 06 còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu,... Một số Hệ thống thông tin giải quyết của Bộ, ngành Trung ương chưa đáp ứng yêu cầu đề ra nên không kết nối được với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh dẫn đến việc cán bộ, công chức phải thực hiện song song trên 2 Hệ thống của Bộ và địa phương hoặc giải quyết TTHC bị chậm...
Tại Hội nghị, tỉnh Nghệ An kiến nghị, đề xuất đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ một số nội dung sau: Tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, đồng bộ, xử lý dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Cổng DVCQG để đảm bảo đánh giá chính xác, hiệu quả Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu điều chỉnh cách tính tỷ lệ các tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 theo hướng chỉ tính điểm công khai minh bạch đối với số hồ sơ TTHC đủ điều kiện thực hiện trên Cổng DVCQG; đối với tiêu chí hồ sơ trực tuyến, số hoá kết quả giải quyết TTHC chỉ tính tỷ lệ đối với TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến hoặc TTHC mà theo quy định phải số hoá phục vụ lưu trữ…
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách TTHC
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ghi nhận những kết quả các địa phương đã đạt được trong công tác cải cách TTHC thời gian qua. Thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Bộ, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách TTHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024.
Trong đó, các địa phương thực hiện tốt việc đánh giá tác động về quy định TTHC bảo đảm chỉ ban hành các quy định thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tiết kiệm chi phí. Đồng thời khẩn trương công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa UBND tỉnh với các Bộ, cơ quan trung ương, giữa UBND cấp tỉnh với các Sở, ngành, UBND cấp huyện; xác định đúng phạm vi, thẩm quyền ban hành để rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 20% TTHC nội bộ, 20% chi phí tuân thủ.
Các địa phương tổ chức thực hiện việc phân cấp trong giải quyết TTHC ngay sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi phương án phân cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động rà soát, quyết định phân cấp đối với các TTHC thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phân cấp, ủy quyền.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ TTHC theo quy định. 100% hồ sơ TTHC phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và liên thông, đồng bộ với Cổng DVCQG. Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ, nhất là đẩy mạnh việc khai thác, tái sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa.
Tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định TTHC… “Để công tác CCHC có sự đột phá trong thời gian tới, đề nghị các địa phương, bộ ngành nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện việc chia sẻ, kết nối dữ liệu” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.