Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tổ chức tiêm cho gần 1.200 liều vaccine Pfizer phòng Covid-19 mũi 1, trong đó ưu tiên cho những người bệnh bị bệnh mạn tính đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Cụ thể, ngành y tế tiêm cho gần 300 người bệnh bị bệnh mạn tính đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; 320 nhân viên y tế bị bệnh mạn tính. Ngoài ra, đợt này Đà Nẵng cũng tiến hành tiêm cho gần 120 cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến Ký túc xá phía Tây thành phố và những đối tượng nguy cơ cao bị bệnh mạn tính...
Đợt này, Bệnh viện C Đà Nẵng cũng được Bộ Y tế phân bổ gần 3.200 liều vaccine Covid-19 để tiêm cho nhưng đối tượng ưu tiên. Theo đó, bắt đầu từ ngày 25/7, Bệnh viện triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên theo quy định, gồm cán bộ trung, cao cấp, bệnh nhân có bệnh nền và các đơn vị, cơ quan Trung ương đóng chân trên địa bàn.
Một ngày trước khi tiến hành tiêm vaccine, Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức diễn tập, tập huấn kỹ năng tiêm, kỹ năng xử lý tình huống sau tiêm... cho các bác sĩ, nhân viên y tế.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng (Bộ Y tế) cho biết, với những trường hợp đến tiêm, đơn vị tầm soát, sàng lọc kỹ và đặc biệt sẽ theo dõi chặt chẽ sau tiêm để đảm bảo an toàn cho người tiêm.
“Bệnh viện đã có kịch bản diễn tập, tiêm thì đảm bảo an toàn. Những người đến tiêm thì được tư vấn kỹ lưỡng, cung cấp thông tin, cung cấp địa chỉ liên lạc, khi có bất cứ sự cố gì. Tiêm xong ra về là biết được mình sẽ liên lạc với ai, khi có triệu chứng bất lợi thì gọi điện đến cho ai. Đối với một số đối tượng là cán bộ trung cao cấp thì sau tiêm bệnh viện trực tiếp gọi điện hỏi thăm mỗi buổi, cách sau 1 giờ, 4 giờ, 6 giờ để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của họ. Một số bệnh nhân họ không yên tâm thì được nằm lại bệnh viện, 4 tiếng sau mới được phép rời khỏi bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện nói./.