nguoinghe.vn
Ông Nguyễn Văn Hưng khi còn là phó chánh thanh tra, bị cáo buộc vụ lợi nhận 390.000 USD trong vụ Vạn Thịnh Phát - Ảnh: TTXVN

Bản cáo trạng vụ án Vạn Thịnh Phát vừa được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cho thấy sai phạm "rút ruột" ngân hàng, chiếm đoạt 304.000 tỉ của bà Trương Mỹ Lan được thực hiện trong suốt thời gian dài, dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng là do có sự tiếp tay, dung túng của nhóm cán bộ trong đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB.

Đoàn thanh tra liên ngành có 18 thành viên thì 100% số cán bộ này đều nhận tiền từ nhóm lãnh đạo SCB. Trong đó trưởng đoàn Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) nhận hối lộ số tiền nhiều nhất 5,2 triệu USD, những người còn lại nhận "quà" tổng số tiền gần 500.000 USD và 700 triệu đồng.

Viện kiểm sát truy tố 11 người trong đoàn thanh tra, còn 7 người được miễn trách nhiệm hình sự.

"Làm mờ" đi các sai phạm khủng để SCB không bị kiểm soát đặc biệt

Theo cáo trạng, với mục đích che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổ trưởng tổ giám sát tăng cường tại SCB để các cá nhân có thẩm quyền bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh tra kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.

Ngoài ra, bà Lan còn chỉ đạo "đàn em thân tín" tại SCB thực hiện phân bổ các khoản vay của Vạn Thịnh Phát ở một số chi nhánh chính sang các chi nhánh khác để làm giảm mức độ chú ý của lực lượng chức năng.

Khi thấy các khoản vay bị cơ quan chức năng chú ý đến, bà Lan sẽ che giấu, đối phó bằng cách chỉ đạo tất toán khoản vay của Vạn Thịnh Phát tại chi nhánh này bằng việc tạo lập các khoản vay ở chi nhánh khác để dùng tiền của SCB trả cho các khoản vay của chính SCB.

Cáo trạng nêu, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã thành lập đoàn thanh tra tại SCB năm 2017-2018 và được triển khai thành 2 đợt thanh tra.

Trong đợt 1, ông Nguyễn Văn Hưng, phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), thành lập đoành thanh tra liên ngành gồm 18 thành viên do cơ quan này chủ trì phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Bà Đỗ Thị Nhàn được giao làm trưởng đoàn thanh tra. Đoàn liên ngành được giao thanh tra hoạt động cấp tín dụng từ 30-6-2014 và thực trạng nợ xấu, kế hoạch tái cơ cấu, các khoản lãi và phí phải thu, đánh giá hoạt động quản trị. Đợt 1 thanh tra diễn ra 45 ngày ở SCB hội sở chính và 12 chi nhánh.

Mục đích thanh tra còn làm rõ các vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và cho vay, dịch chuyển dòng tiền, nếu phát hiện sai phạm thì kiến nghị xử lý.

Xác định thực trạng cấp tín dụng, việc sử dụng tiền vay, mối quan hệ sở hữu của nhóm Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan với 71 khách hàng có cùng địa chỉ ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Làm việc với đoàn thanh tra, SCB có ý kiến nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết quả thanh tra phải phân loại nợ xấu thì lợi nhuận SCB sẽ âm rất lớn và khả năng nhà băng này bị phá sản là rất cao.

Sau đó, đoàn thanh tra chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề sai phạm của SCB với số tiền 965 triệu đồng.

Khi xây dựng dự thảo báo cáo lần đầu phục vụ việc trình bày với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng vào cuối tháng 1-2018, nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp "bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5" với 3 dự án Mũi Đèn đỏ, 6A và Royal Garden với tổng dư nợ gần 38.000 tỉ đồng.

Ban đầu, kết quả thanh tra xác định SCB sai phạm tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỉ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu; đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng hầu hết đều rủi ro mất vốn…

Cáo trạng nêu sau khi đoàn thanh tra bỏ ngoài các số liệu phân loại nợ xấu, các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, sai lệch. Hành vi của nữ cục trưởng và các thành viên đoàn thanh tra đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, nợ xấu từ 91.000 tỉ xuống còn 53.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đang âm (-19.000 tỉ) thành dương (+2.700 tỉ), hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang từ âm hơn 4% thành dương gần 6%.

Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng lại bưng bít, bao che, không báo cáo.

Thậm chí, khi thành viên đoàn thanh tra đề xuất "đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt" thì ông Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ.

Đồng thời các nội dung báo cáo thể hiện không trung thực, không đầy đủ, giảm nhẹ "làm mờ" đi sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án…; báo cáo không đúng về việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro.

Nghiêm trọng hơn, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép nhà băng này xây dựng đề án tái cơ cấu.

Ngày 4-12-2018, ông Nguyễn Văn Du - quyền chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (thay ông Nguyễn Văn Hưng nghỉ hưu) - ký ban hành kết luận thanh tra đối với SCB.

Nội dung kết luận này bị xác định thể hiện không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính, vi phạm, sai phạm và các kiến nghị đối với SCB.

Đặc biệt tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu.

Cụ thể, kết luận bỏ ngoài số liệu nợ xấu của ba siêu dự án. Nếu thể hiện đầy đủ thì nợ xấu của SCB tới 35,8% nhưng kết luận chỉ nêu nợ xấu 20,9%.

Việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, theo cáo trạng.

nguoinghe.vn
Nợ xấu liên quan đến dự án Mũi Đèn Đỏ (ảnh) được đoàn thanh tra bỏ ngoài dự thảo báo cáo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lung lay quan điểm "chuyển sai phạm sang cơ quan điều tra" sau khi bị mua chuộc

Theo cáo trạng, trong quá trình thanh tra, một thành viên trong đoàn là ông Lê Thanh Hà (cựu phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu trưởng Phòng kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII) đã từng kiên quyết kiến nghị chuyển các sai phạm tại SCB sang cơ quan điều tra nhưng sau đó lại "lung lay" đồng ý không chuyển.

Ông Hà tham gia đoàn thanh tra với vai trò là tổ trưởng tổ 5. Quá trình thanh tra, tổ của ông Hà phát hiện Ngân hàng SCB cho vay 20 khách hàng, có vi phạm về thẩm định, phê duyệt, giải ngân cho vay và kiểm tra sử dụng vốn vay.

Cựu phó chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước đánh giá khoản vay có rủi ro cao và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý. Sau đó, ông Hà đã có văn bản báo cáo Kiểm toán Nhà nước.

Khi thanh tra đợt 2, tổ của ông Hà phát hiện sai phạm của các khoản vay khách hàng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai và đã kiên quyết kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra, xử lý và yêu cầu làm rõ nguồn tiền tất toán, làm rõ có hay không việc cho vay mới để trả nợ cũ.

Tuy nhiên, quá trình tham gia ý kiến dự thảo kết luận thanh tra, ông Lê Thanh Hà đã không bảo lưu ý kiến và đồng ý nội dung không chuyển hồ sơ sai phạm nhóm 71 khách hàng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai sang cơ quan điều tra.

Sự đồng ý của ông Hà là căn cứ để giúp bà Đỗ Thị Nhàn và ông Nguyễn Văn Hưng tổng hợp nội dung báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Theo cáo trạng, ông Hà đã nhận tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng từ SCB, khi bị khởi tố đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

Còn ông Nguyễn Văn Hưng bị cáo buộc "vì động cơ cá nhân" đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và các cán bộ thanh tra của tổ tổng hợp xây dựng các báo cáo không trung thực, báo cáo sai lệch về thực trạng tài chính yếu kém của SCB; che giấu các sai phạm của SCB… Ông Hưng đã nhận nhiều lần tổng số tiền 390.000 USD từ lãnh đạo SCB.

Bà Nguyễn Thị Phụng (phó trưởng đoàn thanh tra) bị cáo buộc đã nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng cùng đồng hồ, túi xách, khăn từ SCB.

Các thành viên khác trong đoàn thanh tra cũng nhận số tiền từ 100 triệu đến 20.000 USD.

7 người không xem xét trách nhiệm hình sự

Theo cáo trạng, 7 thành viên còn lại của đoàn thành tra, trong đó có 3 cán bộ thuộc Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 1 thanh tra viên thuộc Thanh tra Chính phủ nhận tiền người ít 100 triệu, người nhiều 9.000 USD nhưng đều chủ động nộp lại trước khi vụ án bị khởi tố.

Những người này được xác định đều là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, hợp tác tích cực trong quá trình điều tra nên Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự, mà đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền "là phù hợp, đã nghiêm minh", cáo trạng nêu.