"Người nhà bệnh nhân nặng luôn phải trong tư thế chuẩn bị vận chuyển bệnh nhân rời khỏi phòng bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, nếu bệnh nhân qua đời thì không thể giữ mãi trong phòng được", một bác sĩ tiết lộ.
 
Sự việc Bệnh viện Bạch Mai giải thể nhà tang lễ, trong đó khu nhà lạnh là yếu tố rất cần cũng bị xóa bỏ theo, đặc biệt hàng chục nhân sự bỗng nhiên mất việc làm đã gây tranh cãi trong thời gian qua.
 
"Nhà tang lễ không tạo thêm nguồn thu cho bệnh viện"
 
Trả lời chúng tôi về những khúc mắc liên quan việc xóa bỏ nhà tang lễ, không có nhà lạnh, ThS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trong bối cảnh tinh gọn nhân sự đạt hiệu quả, bệnh viện đã giải thể một số đơn vị có chức năng không cần thiết, trong đó có dịch vụ nhà tang lễ bệnh viện giải thể. Đây là một trong những dịch vụ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý bệnh nhân, người nhà.
 
"Bệnh viện Bạch Mai có nhiều bệnh nhân rất nặng. Việc có nhà tang lễ trong bệnh viện khiến tâm lý những người bệnh gần đất xa trời rất hoang mang, suốt ngày kèn trống đám ma ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế.
 
Chưa kể, mỗi khi có đám tang gây xung đột giao thông, tắc cả bệnh viện. Chính vì thế bệnh viện quyết xóa bỏ. Thêm nữa nhà tang lễ không tạo thêm nguồn thu gì cho bệnh viện", ông Thành cho hay.
 
 
Bệnh viện cho rằng dịch vụ tang lễ không cần thiết
 
Người sống nằm cạnh người chết
 
Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ công tác tại bệnh viện gần 30 năm chia sẻ, bản thân ông chưa từng thấy bệnh viện nào lại không có "nhà lạnh" để bảo quản thi hài bệnh nhân nếu qua đời. Theo ông, việc trang bị nhà lạnh để bảo quản thi thể bệnh nhân qua đời không chỉ là điều kiện pháp lý, pháp luật mà quan trọng hơn, đó còn là yếu tố rất nhân văn.
 
Cái gì cũng có hai mặt của vấn đề, bệnh viện cho rằng đây là tuyến cuối, rất nhiều bệnh nhân nặng nên cần phải loại bỏ tiếng kèn, trống để các bác sĩ an tâm điều trị, người bệnh không bị hoang mang…
 
Thì ngược lại cũng vậy, bệnh viện rất nhiều bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào, nếu qua đời người nhà bệnh nhân hoặc bệnh viện chắc chắn không thể tình huống nào cũng chuẩn bị sẵn những điều kiện kịp thời nhất.
 
"Trước đây, người nhà bệnh nhân hoàn toàn tự tin nếu tình huống xấu nhất có thể xảy ra là người thân của họ chết trên giường bệnh, vì vậy với tâm lý 'còn nước, còn tát', họ vẫn cố cứu mạng sống.
 
Tuy nhiên, bây giờ người nhà bệnh nhân thêm 'tư thế' chuẩn bị vận chuyển bệnh nhân rời khỏi phòng bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, nếu bệnh nhân qua đời thì không thể giữ mãi trong phòng được", một bác sĩ tiết lộ.
 

Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai đã bị phá bỏ
 
Một bác sĩ đưa ra ví dụ thực tế, từng có trường hợp bệnh nhân tử vong phải đắp chăn cả nửa ngày. Đáng nói, cạnh đó là một số người bệnh khác đang được điều trị và đội ngũ y tế dù đã nỗ lực hết mình nhưng cũng đành chấp nhận.
 
"Không phải trường hợp nào cũng có thể gọi xe dịch vụ mang đi luôn được, vì người thân của họ muốn đưa xe ở quê ra đón về, hoặc nhiều vấn đề khác…".
 
Nói đến đây, vị bác sĩ tỏ ra xót xa rằng, "Thậm chí bác sĩ cũng sẽ buộc phải đối mặt với tình thế 'khó xử' như: nếu thấy người bệnh có nguy cơ tử vong thì gọi người nhà họ vào giải thích để chuẩn bị đưa về. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp người nhà bệnh nhân đưa về, sau đó bệnh nhân vẫn sống… thật khó nói ra".
 
 
Cây xanh lâu đời ở khu vực cũng bị chặt hạ
 
Trong một diễn biến liên quan, ThS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc dừng hoạt động nhà tang lễ không có nghĩa là bệnh viện không quan tâm tới bệnh nhân tử vong. Theo BS Thành, BV Bạch Mai đã ký hợp đồng với Nhà tang lễ thành phố, Nhà tang lễ BV Thanh Nhàn để phối hợp triển khai các hoạn động tâm linh./.