Cách đây 11 năm, nhiều người bệnh phấn khởi khi Bộ Trưởng Bộ Y tế cắt băng khánh thành Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo. Bởi lẽ, họ sẽ bớt đi nỗi lo không có tiền thuê trọ dài ngày để chăm sóc cho người thân trong hoàn cảnh éo le.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây gần 1 năm Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai đã bị xóa bỏ, hiện trường bây giờ chỉ là đống rác vụn, bỏ không lãng phí.
 
Chia sẻ với chúng tôi, một bác sĩ công tác lâu năm tại bệnh viện cho hay, việc xóa bỏ khu nhà nói trên được thực hiện cách đây gần 1 năm.
 
Ông ủng hộ chủ trương sự đổi mới, cải cách của vị giám đốc đương nhiệm. Tuy nhiên bác sĩ này cũng như nhiều người vẫn nuối tiếc khi dự án mang tính nhân văn, hữu ích đối với người nghèo bị phá bỏ.
 
"Bệnh viện tự chủ thì đương nhiên lãnh đạo phải tính đến phương án có lợi, phía sau đó còn hàng nghìn nhân sự. Việc đổi mới ban đầu đã có kết quả nhất định, đó là nhiều bệnh nhân hài lòng về dịch vụ chăm sóc, thậm chí không cần đến người nhà bệnh nhân có mặt cũng được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình".


 
Ông Nguyễn Quốc Triệu cắt băng khánh thành Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo
 
Vị bác sĩ này cho hay, hiện nay người nhà bệnh nhân không được vào phòng bệnh, dù bệnh nặng hay nhẹ; bác sĩ điều trị sẽ chủ động liên hệ khi cần trao đổi.
 
Không còn cảnh người bệnh nằm ghép và tất cả mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều được các nhân viên y tế chăm sóc.
 
Bệnh nhân Vũ Văn Được (Hoàng Mai, Hà Nội), cho hay, tất cả y tá điều dưỡng phục vụ từ A đến Z, từ việc ăn, ngủ, uống thuốc. Bệnh viện không còn cảnh từng đoàn người vào thăm, người nhà cũng không phải lo việc trông coi.


 
Người nhà bệnh nhân vật vờ ở ngoài sân
 
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng; việc xóa bỏ nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo, phần nào thiệt thòi hơn đối với những bệnh nhân ở vùng sâu, xa, nơi điều kiện kinh tế khó khăn khi phải điều trị dài ngày.
 
"Không thể tránh khỏi việc bệnh nhân phải có người nhà đi cùng, như những bệnh nhân trên địa bàn Hà Nội, hoặc ở tỉnh lẻ nếu có điều kiện thì không phải bàn. Thế nhưng, đối với những trường hợp có hoàn cảnh éo le thì mới là những người đáng quan tâm", một bác sĩ chia sẻ và cho biết, bà phải chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh éo le, đến nỗi vừa chăm sóc bệnh nhân nhưng vẫn tranh thủ đi rửa bát.
 
Bà Cao Thị Liên (quê ở Hòa Bình) cho hay, mới đây trở lại bệnh viện Bạch Mai, bà bất ngờ thấy khu nhà lưu trú bị phá bỏ: 
 
"Cách đây 4 năm tôi đưa bố điều trị tại BV Bạch Mai, mỗi đêm mất 20 nghìn đồng nên không phải lo nghĩ. Nhiều tháng ròng rã ở bệnh viện, nếu không có nhà lưu trú thì chắc chắn chúng tôi khó khăn".
 
Bà Liên tỏ ra hụt hẫng nói tiếp: "Lần này tôi đưa mẹ đi điều trị, không phải liên tục chăm sóc mẹ vì có nhân viên y tế làm chu đáo, tận tình. Tuy nhiên, ngày nào cũng phải ghé vào thăm mẹ, ngoài ra tôi phải tranh thủ ra phố Phương Mai rửa bát theo giờ, tối lại thuê nhà ở bên ngoài, điều kiện rất chật vật".


 
Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nay không còn nữa
 
Nói về vấn trên, một bác sĩ nghỉ hưu cho rằng; "Từ khi nhà lưu trú đi vào hoạt động, tình trạng người nhà bệnh nhân vật vã ban đêm ở các hành lang không còn nhiều, cũng giảm tình trạng trộm cắp. Ít nhiều, người nhà bệnh nhân thường mang theo một khoản tiền để chữa bệnh, nếu bị mất thì nỗi buồn nhân gấp bội".
 
Trong khi đó, nhiều ý kiến của các bác sĩ đều cho rằng; lãnh đạo bệnh viện nên có lộ trình và tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn của bệnh viện.
 
"Công trình tiền tỉ mới đi vào hoạt được chục năm, chưa đến mức độ phải phá đi, nếu nó được sử dụng vào mục đích khác phù hợp thì cũng phần nào đỡ lãng phí. Trong khi đó đây là nguồn kinh phí do một tập đoàn tài trợ, khi thời gian chưa được bao lâu, công trình còn sử dụng tốt mà đã đập đi, e ngại rằng phía đơn vị tài trợ sẽ cảm thấy buồn", một bác sĩ công tác hơn 20 năm tại bệnh viện chia sẻ.


 
Hiện trạng bỏ không đã lâu
 
Xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường
 
Trao đổi với báo chí về việc nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2010 quy mô 300 giường với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng nhưng đến nay đã bị phá dỡ, ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Bệnh viện Bạch Mai cho hay:
 
"Nhà lưu trú trước đây được một doanh nghiệp tài trợ, sau nhiều năm tháng đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường nên đã được phá bỏ để làm mục đích khác. Viện giám định y khoa vẫn bố trí nơi lưu trú cho người nhà người bệnh".
 
Theo tìm hiểu, giữa năm 2009, tập đoàn Vingroup hỗ trợ BV Bạch Mai 4 tỉ đồng xây dựng, lắp ghép khu nhà lưu trú cho các người nhà bệnh nhân. Sau 1 năm (tháng 4/2010), nhà lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân nghèo đã đi vào hoạt động.


 
Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo trước khi được phá bỏ



 
Khu nhà đưa vào sử dụng được 10 năm


 
Thủ tục đăng ký đơn giản


 
Bên trong Nhà lưu trú của người nhà bệnh nhân nghèo.


 
Công trình sau khi bị phá dỡ.
 
Khu nhà rộng 600m2, kết cấu bằng khung thép, có quy mô 300 giường, nếu ghép phụ sẽ ở được khoảng 450 người. Mỗi tầng nhà lưu trú có khu vệ sinh và nhà tắm rộng rãi.
 
Bệnh viện Bạch Mai xác định khu lưu trú không phải dịch vụ kinh doanh mà là một hoạt động phi lợi nhuận. Các thủ tục để vào trọ tại khu lưu trú hết sức đơn giản.
 
Người nhà bệnh nhân chỉ cần xuất trình "Phiếu xác nhận thân nhân bệnh nhân nghèo xin lưu trú" của nơi điều trị là sẽ được bố trí giường ở với đầy đủ chăn, chiếu, màn, khóa hòm tôn và thẻ lưu trú để ra vào.
 
Khu nhà lưu trú có 25 người phục vụ, bảo vệ 24/24, đội vệ sinh lau dọn thường xuyên để đảm bảo môi trường, các thủ tục nhanh gọn.
 
Kể từ khi đưa vào sử dụng, khu nhà lưu trú đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thân nhân người bệnh, giúp họ bảo đảm sức khỏe, đồng thời tiết kiệm chi phí trong thời gian chữa bệnh.
 
Nó không chỉ giúp người nhà có chỗ nghỉ ngơi thuận tiện, an toàn, giá cả hợp lý mà còn giúp đảm bảo an ninh trật tự, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng quá tải trong bệnh viện…./.