Hôm nay (21/6), Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto truyền đạt các chính sách thắt chặt của Indonesia sau cuộc gặp với Tổng thống Joko Widodo. Theo đó, các hoạt động của trung tâm thương mại, chợ và nhà hàng chỉ được tối đa là 25% và thời gian mở cửa bị giới hạn đến 20h tối kể cả với hoạt động giao hàng.
Các văn phòng tiến hành làm việc tại nhà tới 75% số nhân viên trong vùng đỏ đại dịch, và 50% ở các vùng còn lại. Các hoạt động thiết yếu khác của ngành như công nghiệp, dịch vụ cơ bản, tiện ích công cộng, các ngành quan trọng của quốc gia được duy trì với các quy trình y tế nghiêm ngặt. Chỉ thị trên có hiệu lực từ ngày 22/6 đến 5/7.
Các ca mắc Covid-19 ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, đã gia tăng đáng kể từ kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, khi hàng triệu người Indonesia trở về quê hương. Lực lượng đặc nhiệm Xử lý Covid-19 Indonesia ghi nhận ngày 14/5 chỉ có 2.385 trường hợp mới trong một ngày, trong khi vào ngày 20/6, con số này đã tăng lên 13.737 trường hợp, nâng tổng số ca mắc lên thành 1.989.909 trường hợp, trong đó có hơn 54.000 người đã tử vong.
Một số chuyên gia nhận định, tình hình đại dịch ở Indonesia gần như đã ở mức thảm khốc không chỉ do sự lây lan nhanh các biến thể mới của virus SARS-COV-2 mà còn do sự quá tải đối với hệ thống y tế. Dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia cho biết, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh của các bệnh viện chỉ định về Covid-19 ở nhiều nơi của Indonesia hiện nay đã đạt từ 70 đén 80%, thậm chí có những nơi đã đạt công suất 100%.
Trước mức độ nghiêm trọng của tình hình này, cả chính phủ và người dân phải sẵn sàng làm mọi thứ có thể để ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới nhất tấn công. Nhà dịch tễ học Dicky Budiman khuyến cáo chính phủ cân nhắc các biện pháp phong tỏa. Trước đó, các quan chức y tế ở Indonesia đã dự đoán một làn sóng Covid-19 mới sẽ đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 7/2021 khi biến thể Delta rất dễ lây lan từ Ấn Độ trở nên chiếm ưu thế./.