Mang tiền gửi tiết kiệm lại thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không còn là câu chuyện quá xa lạ ở nước ta. Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã phát triển nhanh chóng và đóng góp 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Những tư vấn viên được đào tạo rất có kinh nghiệm để đánh trúng tâm lý khách hàng. Một số trường hợp đại lý bảo hiểm tư vấn không đầy đủ, không chính xác hoặc "đánh tráo khái niệm" dẫn đến khách hàng nhầm tưởng về quyền lợi của mình.

Từng là nạn nhân của "bẫy" bảo hiểm khi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng, độc giả BMLSTG bức xúc: "Tháng 3/2021 tôi đến ngân hàng với mục đích gửi tiết kiệm. Tại đây, tôi được một nhân viên mặc đồng phục ngân hàng tư vấn tham gia quỹ đầu tư do ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm, đầu tư vào các doanh nghiệp hàng đầu cả nước.

Họ giải thích tiền của tôi sẽ được đầu tư trung hạn trong sáu năm, có khoản cố định và khoản có thể rút linh hoạt. Lãi suất tôi được tư vấn cũng cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng mà rủi ro lại thấp. Kèm theo đó, tôi còn được tặng một bảo hiểm nhân thọ tử vong trong năm đầu tiên và còn nhiều ưu đãi khác để khiến tôi tin tưởng tham gia.

Vậy là từ một bà bầu mang tiền ra gửi ngân hàng, mong muốn kiếm chút lãi cho con chưa sinh, tôi bây giờ trở thành con nợ của bảo hiểm với mức đóng phí 80 triệu đồng/năm trong khi bản thân chỉ là công nhân. Số tiền tôi đi làm tích lũy bao nhiêu năm, tiền dưỡng già của bao nhiêu người đang có nguy cơ mất trắng tại chính ngân hàng chúng tôi tin tưởng".

Cùng chung tình cảnh trớ trêu khi bị lừa mua bảo hiểm qua ngân hàng, bạn đọc Alacom chia sẻ: "Tôi vào ngân hàng gửi tiết kiệm cũng bỗng dưng bị tư vấn đầu tư. Năm 2022, ngân hàng tư vấn cho tôi đầu tư gói bảo hiểm đóng trong 10 năm, mỗi năm đóng 12,2 triệu đồng. Nghe nhân viên ngân hàng tư vấn rằng, 10 năm sau tôi sẽ nhận về số tiền lên tới 300 triệu đồng (lãi hơn gửi tiết kiệm), nên tôi cũng háo hức tham gia.

Nhưng khi hợp đồng gửi về nhà, tôi đọc kỹ lại điều khoản thì sau 10 năm, số tiền trong quỹ chỉ còn là 90 triệu đồng (do bị trừ rất nhiều phí mỗi năm). Như vậy, phải đến năm thứ 20, tôi mới được hưởng 300 triệu đồng kia. Nhưng thời điểm hết hạn ghi trên hợp đồng lại là năm 2084 (nghĩa là lúc đó tôi đã 101 tuổi). Hoang mang gọi điện cho phía ngân hàng để báo hủy, tôi chỉ nhận được mấy câu trấn an như: "Chị thấy không hài lòng chỗ nào? Em thấy có lợi cho mình rất nhiều mà"... trong khi cá nhân tôi chỉ muốn hủy càng nhanh càng tốt".

>> 'Tiền mất tật mang' vì mua bảo hiểm theo tư vấn của người quen

Với tâm trạng bất an sau khi bị dụ dỗ mua bảo hiểm đội lốt tiết kiệm đầu tư của ngân hàng, độc giả Tuyen Hung bình luận: "Tôi ra ngân hàng, gửi tiết kiệm 100 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng nói rằng mới gói tiết kiệm đầu tư, một năm đóng 20 triệu đồng nhưng được chi trả quyền lợi thanh toán khi nằm viện. Tôi chỉ được nghe từ "tiết kiệm đầu tư", thấy hấp dẫn nên đồng ý đóng 20 triệu đồng cho khoản tiết kiệm đầu tư này. Nhân viên ngân hàng đưa phiếu thu tiền cho tôi nhưng không có sổ ghi tiết kiệm. Họ hẹn sẽ gửi sổ qua địa chỉ nhà cho tôi sau.

Nhưng qua 20 ngày, bưu điện chỉ gửi cho tôi một quyền hợp đồng bảo hiểm dày vài chục trang. Chưa hết, ban đầu nhân viên ngân hàng tư vấn với tôi rằng chỉ đóng 10 năm là được thanh toán 270 triệu đồng. Nhưng khi ở nhà rỗi rãi, mang hợp đồng ra xem, tôi ngã ngửa khi phần cam kết chi trả chỉ là 170 triệu đồng, coi như tôi mất tiền chứ không có lãi".

"Tôi cũng bị như vậy. Ban đầu tôi chỉ vào làm thẻ ngân hàng, vậy mà các nhân viên tư vấn cho tôi chuyển hết tiền từ ngân hàng đang dùng sang ngân hàng của họ để mỗi tháng sẽ được lãi suất 7%, mỗi năm chỉ cần gửi vào 30 triệu đồng là 10 năm sau được rút toàn bộ tiền gốc lẫn lãi. Bản thân tôi cũng không hề biết đó thực chất là bảo hiểm.

Đến ba hôm sau, tôi nhận được mail hợp đồng đến, sau khi đọc kỹ mới ngã ngửa là mình vừa mua bảo hiểm nên lập tức quyết định hủy hợp đồng, rút tiền về. Thế nhưng, bạn nhân viên ngân hàng kia liên tục gây khó dễ, thậm chí khóc lóc, năn nỉ để tôi mua giúp. Thật ra, tôi cũng đang đóng bảo hiểm bên ngoài rồi nên không muốn cố thêm nữa.

Cuối cùng, tôi đồng ý đợi đến cuối tháng cho bạn nhân viên được tính doanh số thì mới hủy hợp đồng. Nhưng sau đó, bạn nhân viên vẫn nhất quyết không chịu cho tôi rút. Cuối cùng, tôi đành phải lên trụ sở, đặt lịch hẹn hết lần này tới lần khác. Sau khi dọa làm căng, tôi mới được giải quyết hủy hợp đồng. Sau khi lấy được tiền về, tôi vẫn liên tục bị bạn nhân viên kia nhắn tin trách móc dù chính họ mới là người lừa dối khách hàng", bạn đọc Rose nói thêm.

Nói về thủ thuật của các nhân viên ngân hàng đẻ dụ dỗ khách hàng mua bảo hiểm, độc giả NNTX nhận định: "Thủ thuật đánh tráo khái niệm 'tiết kiệm - bảo hiểm - đầu tư - chứng chỉ' này thường nhắm tới những đối tượng người già cả hoặc không có trình độ học vấn cao. Nhân viên tư vấn có rất nhiều cách để thuyết phục khách hàng ký vào hợp đồng. Ví dụ, họ nói đây là gói tiết kiệm đầu tư mới, chưa được công khai, hay thủ tục hơi khác so với bình thường... là có thể dễ dàng lừa được những khách hàng cả tin.

Những người bị lừa thường thiếu kiến thức, lại tin tưởng tuyệt đối vào ngân hàng nên sẵn sàng nghe theo những lời diễn giải lại của nhân viên tư vấn. Những đối tượng nhắm đến ở đây có cả những ông bà già, những người lao động học vấn thấp, thậm chí còn không đủ khả năng đọc hiểu. Nếu họ thắc mắc về việc giấy tờ thay đổi thì tư vấn viên chỉ cần trấn an do gói tiết kiệm này đặc biệt là xong.

Bên cạnh đó là vấn đề lòng tin. Ngân hàng có sẵn uy tín, tư vấn viên thường là người đã đồng hành cùng khách trong thời gian dài, ăn nói ngọt ngào, đánh mạnh vào tâm lý sợ hãi rủi ro và mong muốn tăng thu nhập của khách hàng. Việc khách hàng thiếu hiểu biết, chủ quan trong việc đọc kỹ hợp đồng không làm thay đổi bản chất của việc bên bảo hiểm và tư vấn viên cố tình dùng thủ thuật dụ dỗ họ".

Chia sẻ kinh nghiệm thoát khỏi bẫy lừa mua bảo hiểm qua ngân hàng, bạn đọc Namngo kết lại: "Trong trường hợp này, nhân viên ngân hàng đã lừa dối khách hàng rồi vì lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người để tư vấn không đúng và dụ họ ký vào hợp đồng bảo hiểm. Có một sự thật là không có bảo hiểm nhân thọ xấu, chỉ có tư vấn viên không có kiến thức, không có đạo đức mới xấu.

Thế nên, mỗi người nên tìm hiểu thật kỹ về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện giờ, cách hoạt động của nó, những quyền lợi cũng như loại trừ để tự bảo vệ mình. Chỉ khi nào bạn hiểu hết những thứ này thì mới nên tham gia bảo hiểm. Cá nhân tôi không bán bảo hiểm nhưng bản thân và vợ đều có hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của hai công ty khác nhau. Trước khi ký tên vào hợp đồng, tôi đã dành gần một tháng để tìm hiểu và so sánh các gói bảo hiểm của các công ty khác nhau tại Việt Nam để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Hãy là một khách hàng thông minh để không bị lừa".

Theo Thành Lê - vnexpress.net