Quan ngại về biến chủng BA4, BA5
Nói về tình hình dịch bệnh Covid-19, GS Phan Trọng Lân, Cục Y tế Dự phòng cho biết, cho tới nay, dịch bệnh này đã làm nhiễm bệnh cho hơn 600 triệu người trên toàn thế giới với trên 63 triệu ca tử vong. Thế giới đã trải qua nhiều bùng phát dịch bệnh với nhiều biến chủng khác nhau. Mức độ dịch không đồng đều ở các khu vực trên thế giới. Dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở Châu Phi và gia tăng số ca tử vong nhanh ở khu vực bờ Tây Thái Bình Dương.
Hiện nay, Châu Âu đang lo ngại một đợt tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới khi xuất hiện hai biến chủng BA4, BA5 của Omicron với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần BA1, BA2 tháng trước đây. Nhiều quan chức ngành y tế bày tỏ quan ngại biến chủng này sẽ làm quá tải ngành y tế một lần nữa, đặc biệt là ở những khu vực có nền y tế còn yếu kém.
Một số nhà nghiên cứu cũng lo ngại biến chủng BA1 và BA2 lưu hành ở Việt Nam trong tháng 11/2021-T3/2022 có biểu hiện lâm sàng nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp đã gây nên tâm lý chủ quan ở nhiều người dân và một số bann ngành y tế dự phòng ở địa phương.
Ông Phan Trọng Lân khuyến cáo, dịch bệnh Covid-19 chưa phải đã kết thúc và biến thể Omicron chưa phải là biến thể cuối cùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia trên thế giới cần duy trì các biện pháp phòng dịch như tiêm vaccine tăng cường, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao.
Cũng theo GS Phan Trọng Lân, vaccine phòng bệnh Covid-19 không có hiệu lực lâu dài. Nếu người dân không tiêm các mũi tăng cường, nhắc lại để duy trì trí nhớ miễn dịch thì khi ở khu vực nào đó người dân chưa tiêm vaccin bao phủ, mức kháng thể kém mà nhiễm bệnh sẽ tạo ra những biến thể mới mạnh hơn, nguy cơ tái bùng phát đợt dịch bệnh mới rất dễ xảy ra. Khi đó, lượng kháng thể trong cơ thể chúng ta đã suy giảm mà không được bổ sung sẽ rất dễ nhiễm bệnh, khả năng kháng vaccine cao hơn. Khi đó, chúng ta sẽ rất khó được bảo vệ. Tiêm vaccine chính là cách tốt nhất hiện nay để giúp chúng ta chống đỡ và vượt qua dịch bệnh. Thực tế ở Việt nam cho thấy đợt dịch bệnh thứ tư ở miền Bắc, số người mắc bệnh rất cao nhưng con số tử vong lại thấp hơn rất nhiều so với đợt dịch bệnh thứ 3 ở TP Hồ Chí minh và các tỉnh miền Nam. Một trong các nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh nặng giảm và số ca tử vong thấp là do miền Bắc đã tiến hành tiêm vaccine bao phủ nhanh chóng trước khi dịch bệnh tràn tới.
Tiêm mũi nhắc vắc xin COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19. Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS-COV-2. Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm vi rút lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
GS Phan Trọng Lân thông tin, biến thể BA5 đã xuất hiện ở Việt Nam. Trong điều kiện bình thường mới với nền kinh tế mở, giao lưu và hội nhập, sự xuất hiện biến chủng mới du nhập từ nước ngoài sẽ khó tránh khỏi. Trước nguy cơ xâm nhập biến thể mới, Bộ Y tế đang điều chỉnh các biện pháp cách ly y tế cho phù hợp với điều kiện bình thường mới, thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe người nhập cảnh và nghiên cứu các phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất với chính phủ khuyến cáo các địa phương về các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, xây dựng các kế hoạch, triển khai các nghị quyết của Chính phủ theo hưởng chống dịch hiệu quả đi đôi với phục hồi kinh tế.
Cũng tại buổi họp báo do Bộ Y tế Tổ chức, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Giám đốc Viện VSDT Trung Ương chia sẻ thông tin về tình hình tiêm vaccine Covid-19 ở Việt Nam.
Lo ngại người dân không muốn tiêm mũi tăng cường
Theo PGS Dương Thị Hồng, Việt nam đang được WHO đánh giá rất cao về khả năng bao phủ vaccin Covid-19 ở các mũi tiêm cơ bản, là một trong những quốc gia tiếp cận những khuyến cáo về tiêm chủng mũi 3, 4 cho tiêm chủng vaccine. Việt Nam đã triển khai diện rộng về tiêm nhắc mũi 3, 4 từ tháng 5/2022 cho người từ 18 tuổi trở lên. Các cấp trong ngành tế cũng đang rất nỗ lực để hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine bao phủ và triển khai tiêm vaccine nhắc lại để sẵn sàng ứng phó với các biến chủng Covid-19 mới.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong. Mặc dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên cả nước hiện nay đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do COVID-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu COVID-19.
Trong thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vắc xin COVID-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc xin đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc xin ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc xin tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc xin phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.
"Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới", bà Hồng nói. Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi: ngày 17/6/2022, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ em 12 đến 17 tuổi. Tiếp theo, tại Công văn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết về tiêm liều nhắc lại (mũi 3) vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này. Theo đó, tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (Mũi 1 và Mũi 2) bằng vắc xin Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, với liều 0,3 ml tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên. Mũi nhắc (mũi 3) được tiêm ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (Mũi 2). Nếu người trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi đã mắc COVID-19 thì sẽ tiêm mũi nhắc (mũi 3) sau khi mắc COVID-19 là 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng. Các địa phương đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai tiêm chủng mũi 3 (mũi nhắc lại) vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm trong tuần vừa qua, toàn quốc có hơn 160 ngàn trẻ trong độ tuổi này được tiêm mũi 3 an toàn.
WHO cam kết tính an toàn và hiệu quả của vaccine Covid-19 phê duyệt khẩn cấp
Tới dự cuộc họp báo, Bà Dr. Socorro Escalandte, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt nam đã chúc mừng thành tựu tiêm vaccine Covid-19 ở Việt Nam và chúc mừng Việt nam vượt qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khá an toàn, tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong thấp.
Bà Socorro nói “Chúng tôi rất vui mừng vì chính phủ Việt nam đã rất nỗ lực tiến hành tiêm bao phủ vaccine Covid-19 và đang tiếp tục hoàn thành nỗ lực cuối cùng trên chặng đường này. Nguyên tắc của chúng tôi là luôn thúc đẩy các chính phủ tiêm vaccine bao phủ cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao rủi ro cao như nhân viên y tế, lực lượng tham gia phòng chống dịch, những người tiếp xúc nhiều, người cao tuổi, người có bệnh nền... WHO cũng khuyến cáo các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp thì phải ưu tiên bao phủ cho các đối tượng có nguy cơ cao trước khi bao phủ cho các đối tượng khác. Chúng tôi cũng khuyến khích các nước tiếp tục tiêm các mũi tăng cường sau khi đã hoàn thành các liều cơ bản. Và các đối tượng nguy cơ cao cũng cần được tiêm trước”.
Bà Socorro nhấn mạnh đây là giai đoạn rất quan trọng để Việt nam tiếp tục tiêm các liều tăng cường vaccine Covid-19 cho người dân. Trẻ em cũng cần được tiêm bao phủ và tiêm nhắc lại với việc phân chia độ tuổi phù hợp sau khi đã tiêm liều cơ bản từ 4-6 tháng. “Chúng tôi đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy ích của vaccine liều tăng cường. Hiệu quả của vaccine sẽ giảm theo thời gian. Tuy nhiên nếu như cơ thể chúng ta được bảo vệ bởi vaccine thì các triệu chứng bệnh sẽ nhẹ nhàng hơn. Cách mà chúng ta có thể ngăn chặn được dịch bệnh chính là tiêm vaccine. Lý do mà chúng ta chưa thể dừng tiêm vacine Covid-19 là bởi dịch bệnh vẫn chưa qua và các biến chủng mới đã xuất hiện. Xu hướng mắc bệnh và tử vong đã giảm những chúng ta vẫn cần phải nhìn nhận hiện tượng này một cách thận trọng hơn. Chúng ta không thể coi Covid-19 là bệnh nhẹ vì người đã tiêm vaccine rồi thì vẫn không đảm bảo được là chúng ta không nhiễm bệnh. Nhưng có một bằng chứng chắc chắn là người đã tiêm vaccine Covid-19 có tỷ lệ tăng nặng và tử vong thấp hơn rất nhiều lần so với người chưa tiêm”, bà Socorro nói.
Bà Socorro Escalandte cũng nói về việc các cha mẹ Việt Nam ngần ngại chưa đưa con đi tiêm vaccine bao phủ và vaccine mũi tăng cường. Bà cho rằng nguyên nhân là do cách hiểu của họ về vaccine chưa chính xác, nhiều thông tin nhiễu về hiệu quả vaccine và những tác dụng phụ khiến các bậc cha mẹ lo ngại. Bà Socorro khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine đã được phê duyệt khẩn cấp và cha mẹ cần bảo vệ cho con cái trước nguy cơ nhiễm bệnh bằng vaccine sớm nhất có thể./.