Được mùa mất giá

Nhắc tới điệp khúc được mùa mất giá chưa hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp căn cơ ông Hoan nói rằng, đây là quy luật kinh tế cung - cầu, khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. “Giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa. Bộ nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu”, ông nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này”.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị cho biết rõ hơn bao giờ khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”. Nói rằng “sợ nhất câu hỏi đến bao giờ”, song ông Hoan khẳng định, trả lời của ông không phải là thoái thác trách nhiệm. “Cá nhân tôi sẽ làm hết trách nhiệm, song tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp cùng vào cuộc”, ông nói. Lấy ví dụ tìm đầu ra cho quả vải ở Bắc Giang, Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên, ông Hoan cho biết, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã tích cực vào cuộc, trực tiếp đi tiếp thị nên tiêu thụ tốt, dù gặp dịch COVID-19.

1-mai-7-bg-8058-1654766137.jpg
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai ảnh: Nhật Minh

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ trưởng Lê Minh Hoan rằng, các đại biểu đang chất vấn bộ trưởng với trách nhiệm quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực. Vì thế, nếu câu trả lời “giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu mà nói hỏi địa phương thì vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu, bộ trưởng thế nào?”. Ông đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT trả lời thẳng, nêu rõ thực trạng đang thế nào, đã có chủ trương, chính sách gì, và tới đây làm cách nào để giải quyết điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng của đại biểu Trần Thị Hoa Ry hỏi về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào. “Hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Hoan nói rằng, ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được. “Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, ông Hoan nói.

Cần có phương thức tập trung đất đai mềm

Về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn việc tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái tại các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đã có nhiều chính sách, quy hoạch vùng, khu nông nghiệp công nghiệp cao, doanh nghiệp và sản phẩm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều chính sách không hiệu quả, huy động nguồn lực không tương xứng. Ông ví dụ khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hậu Giang diện tích 5.000 ha, các địa phương cho rằng khi được phê duyệt thì sẽ thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhưng thực tế không thực hiện được, “chơi vơi giữa mong muốn và nguồn lực thực đầu tư”.

“Nền nông nghiệp của chúng ta đang đứng trước “3 cái biến”: biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới, đòi hỏi quy trình sản xuất phải đảm bảo tiêu dùng xanh, không bị tác động bởi biến đổi khí hậu...”Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Không có khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chúng ta vẫn có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Họ vẫn đầu tư, chọn địa điểm tối ưu để đầu tư”, ông Hoan nói. Ông dẫn chứng Grab, Uber kinh doanh vận tải nhưng không cần sở hữu chiếc xe nào. Theo ông, trong nền kinh tế kết nối, chia sẻ, ngoài tích tụ đất đai để có khu vực sản xuất, khu nông nghiệp cao lớn hơn, vẫn có phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng điều kiện địa phương. Ở đây nguồn lực Nhà nước và xã hội cùng đầu tư, phát triển vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao.

“Bộ trưởng nói vấn đề liên quan yếu tố liên ngành cũng khó xác định. Tôi cho rằng, có nhiều bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành là thống nhất. Tôi mong với câu hỏi “khi nào, bao giờ” có được câu trả lời, vì đó không đơn giản là câu trả lời mà còn là hy vọng. Và chúng ta không nên để hy vọng của người dân trở thành vô vọng”

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai

Tham gia giải trình phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, có nhiều hình thức tập trung đất đai thành công như dồn điền đổi thửa, hợp tác xã liên kết. Theo ông Hà, thời gian tới, Bộ sẽ có giải pháp để các doanh nghiệp liên kết với nông dân, làm sao để nông dân ly nông nhưng không ly hương./.