Trong thời gian vừa qua, không ít câu chuyện về việc khi khách hàng tới giao dịch hoặc sử dụng các dịch vụ tại một số ngân hàng nhưng đã bị nhân viên ngân hàng mời mọc, lôi kéo thậm chí lừa đảo người dân ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không rõ ràng, dẫn đến tình trạng "tiền mất tật mang" khiến dư luận bức xúc.
Vì lẽ đó, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài Chính đã đề xuất lấy ý kiến về một số điều khoản nhằm kiểm soát, hạn chế tình trạng này. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng.
Cụ thể, tại Điều 26 dự thảo Thông tư có nêu, yêu cầu đối với việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn ít nhất 5 năm.
Thứ hai, đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện.
Thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có).
Thứ tư, định kỳ hàng tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện.
Thứ năm, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện ký thêm hợp đồng đại lý cá nhân nhằm thực hiện hoạt động đại lý trên cùng một hợp đồng bảo hiểm với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm cần quy định rõ phạm vi, nội dung và khối lượng công việc do đại lý cá nhân và đại lý tổ chức để làm cơ sở thanh toán các khoản chi theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý.
Thứ sáu, doanh nghiệp bảo hiểm không được ký thêm hợp đồng đại lý cá nhân đối với các cá nhân là nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang là đại lý bảo hiểm của chính doanh nghiệp bảo hiểm đó.
Trước đó, liên quan đến tình trạng ngân hàng thương mại bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (tỉnh Bến Tre), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm./.
Theo Thanh Ngọc - ngaymoionline.com.vn