Trong tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật.

TPDN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.

Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số tồn tại như có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

bo-tai-chinh-mot-so-nha-dau-tu-co-tinh-vi-pham-tren-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-1668481603.png

Một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo đó, hiện tượng các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Có một số nhà đầu tư cố tình vi phạm

Trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật và có một số lưu ý đối với doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp phát hành, với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.

Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp, trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu.

Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Thị trường TPDN giảm sâu trong 9 tháng đầu năm 2022

Theo VNDirect, ngay từ thời điểm tháng 3/2022, thị trường TPDN chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.

Trong bối cảnh đó, tổng giá trị phát hành TPDN trong 9 tháng 2022 giảm mạnh 43,5% so cùng kỳ xuống còn 248.603 tỷ đồng; trong đó là 240.804 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (-42,2%) và 7.799 tỷ đồng phát hành ra công chúng (-66,8%).
Trong đó Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trong 9 tháng 2022, chiếm 57,7% tổng giá trị phát hành, giảm 15,2% so cùng kỳ.

Nhóm ngành Bất động sản chiếm 21,5% tổng giá trị phát hành, giảm mạnh 67,0% so với 9 tháng 2021.

Nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành Khác chiếm lần lượt 6,3% và 14,5% tổng giá trị phát hành trong 9 tháng 22, tăng 94,9% và giảm 64,2% so cùng kỳ.

Trong 9 tháng 2022, top 5 các DN phát hành trái phiếu nhiều nhất gồm có 3 Ngân hàng và 2 tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (19.872 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (VIC) và các công ty con (16.569 tỷ đồng); Tập đoàn Địa ốc NOVA (Novaland) và các công ty con (15.157 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB (12.300 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB (10.450 tỷ đồng)./.