Đề xuất giảm hàng loạt loại thuế hạ nhiệt giá xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

gia-xang-dau-ngay-21-6-16557865690501717710258-1656563854.jpg
Bộ Tài chính đề xuất giảm hàng loạt loại thế để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Hiện, Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu được áp từ 8% đối với xăng E5 Ron 92 và 10% đối với xăng Ron 95, thuế VAT áp mức 10% đối với xăng dầu các loại. Bộ Tài chính trình lên Chính phủ được nguồn tin tiết lộ giảm theo tỷ lệ % tương ứng với 2 phương án.

Theo nguồn tin của Bộ Tài chính, phương án giảm hàng loạt sắc thuế này sẽ được trình Chính phủ xem xét, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Hiện, mỗi lít xăng RON95 có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít, trong đó giá nhập về đến cảng là 22.389 đồng. Từ đây, giá được cộng thêm thuế nhập khẩu 8%, thuế tiêu thụ đặc biệt 8-10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường, các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn.

Tổng cộng, 4 loại thuế nói trên đã khiến giá xăng dầu bán ra chịu hơn 9.400 đồng/ lít, tương đương hơn 29%.

Trong khi đó, mức nhập khẩu bình quân cả xăng dầu các loại trong đó có cả dầu mazut, diesel, mỡ nhờn từ các nước về Việt Nam chỉ khoảng 13.000 đồng đến 16.000 đồng/ lít, kg.

Chính vì vậy, về lý thuyết riêng việc bỏ hẳn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, giá xăng trong nước bán ra có thể được giảm hơn 9.000 đồng/lít.

Hiện, thuế nhập khẩu đối với xăng dầu từ các nước có ký kết FTA với Việt Nam là 8%, trong khi đó đối với các nước khác là 20%, chênh lệch khá lớn, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho giảm thuế suất thuế nhập khẩu diện MFN (tối huệ quốc) xuống mức 12%, để đa dạng hoá nguồn cung, lượng xăng dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, phương án này khó khả thi bởi hơn 90% lượng xăng dầu nhập về Việt Nam đến từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, nơi có xăng dầu được duy trì mức thuế thấp.

Ngoài, thuế MFN, việc bỏ, giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (khoảng 18 đến 20% cấu thành giá xăng dầu) có thể giúp xăng dầu trong nước hạ nhiệt. Tuy nhiên, để giảm các sắc thuế này ngay lập tức, giảm giá xăng dầu trong nước là khó, cần có thời gian tính toán, đánh giá tác động và cơ cấu lại dự toán, nguồn thu.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu từ mức cao nhất 4.000 đồng/ lít xuống mức cao nhất 2.000 đồng/ lít từ ngày 1/4/2022, đồng thời tiếp tục đề xuất Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm thêm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít cho xăng dầu. 

Ngoài ra Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu trong dự thảo Luật giá sửa đổi, nhằm đưa điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, các động thái giảm thuế môi trường nhỏ giọt không bù đắp được đà tăng giá 7 lần liên tiếp (trên 5.100 đồng) trong vòng 3 tháng qua. Chính vì vậy, cần giải pháp mạnh tay, quyết liệt hơn để giảm đà tăng của giá xăng dầu từ nay đến cuối năm./.