a-1660296409.jpg
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

b-1660296334.jpg
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đánh giá năm học 2021-2022 tiếp tục là "năm học vượt khó", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng nỗ lực của toàn thể đội ngũ giáo viên, các em học sinh đã nỗ lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng đã nêu 10 đầu việc cụ thể đối với ngành giáo dục, trong đó phải thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện tự chủ nhằm có tỷ lệ thích hợp các trường ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn. Từ đó, có đủ giáo viên, trường, lớp để học sinh học 2 buổi/ngày thuận lợi với sĩ số của một lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ (không thể 50-60 học sinh/lớp).

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo,… không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo…

Ngoài ra, về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết đối với việc bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến cho từng lớp học, cấp học; cùng với các địa phương tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung cho thật tốt; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết để thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn dùng.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

c-1660296375.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn tới toàn thể giáo viên, cán bộ, phụ huynh đã đồng hành, nỗ lực trong một năm học đầy thử thách vừa qua.

Trong 12 tháng tới, công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với giáo dục phổ thông, trong 12 tháng tới các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho các lớp, lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11 và tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12.

“Tất cả những nhiệm vụ lớn đó đều sẽ diễn ra trong 12 tháng tới. Rất mong các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương phối hợp tốt cùng ngành đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho các việc như lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn giáo viên”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói./.