Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

66-1706255519.jpg
EVN vẫn đối mặt khó khăn tài chính. Ảnh: Phạm Hải

Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng trong năm ngoái dù được điều chỉnh giá bán hai lần.

Tính chung 2022-2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 2/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết: Toàn bộ chi phí giá thành sản xuất điện của tập đoàn là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó giá bán ra có 1.950 đồng/kWh. Còn giá thành sản xuất mà EVN phải mua điện từ các đơn vị của mình cũng như nguồn bên ngoài xấp xỉ là 1.620 đồng/kWh.

“Tỷ trọng chi phí mua điện chiếm 80% chi phí giá thành, điều này hết sức bất bình thường”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bởi lẽ, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, giá thành sản xuất điện tối đa chỉ dao động trong khoảng 40-50%, còn 50% là dành cho khâu truyền tải, phân phối và các hoạt động khác. Giờ giá thành sản xuất điện chiếm tới 80%, chỉ còn 20% cho các chi phí khác thì rất khó có khả năng cân đối tài chính, tối ưu hóa toàn bộ hoạt động.

Với năm 2024, lãnh đạo EVN dự báo tập đoàn tiếp tục đối mặt một loạt khó khăn thách thức. Trước mắt là khả năng cân đối tài chính, bởi 2 năm nay, EVN không cân đối được, và có thể tình trạng này sẽ tái diễn.

Đề cập đến vấn đề tài chính rất khó khăn, chưa biết khi nào hết lỗ, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN cho rằng: Nếu tình hình tài chính không sớm cải thiện thì đời sống người lao động ảnh hưởng, nhiều cán bộ lương thấp quá sẽ rời ngành ra đi.