Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030 Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại... đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử, truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn, phát huy...
Về một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Bộ Chính trị xác định như trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân Nghệ An đạt khoảng 10%/năm, năng suất lao động bình quân tăng 10 - 11%/năm...
Đến năm 2030, GRDP/người đạt 7.500 - 8.000 USD (giá hiện hành), tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi...
Về tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ. Là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao...
Bộ Chính trị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho Nghệ An để thực hiện các mục tiêu trên.
Trong đó, xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cũng như tăng cường liên kết phát triển.
Cụ thể như tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển.
Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm, sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái.
Hành lang quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng.
Hành lang quốc lộ 48A với trọng tâm phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng... nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó tăng cường hợp tác với tỉnh Thanh Hóa, hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An. Hợp tác với tỉnh Hà Tĩnh trong phát triển khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, nhất là về dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với Hà Nội, TP.HCM, các địa phương khác. Tập trung phát triển mạnh mạng lưới đô thị, nhất là các đô thị trung tâm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội...
Nghị quyết yêu cầu tạo đột phát trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển...