Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tại nghị quyết này, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, xứ Nghệ.
Nghệ An cũng là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại... vào năm 2030.
Đi cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử, truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn, phát huy....
Một số chỉ tiêu cụ thể được Bộ Chính trị nêu rõ như giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10%/năm, năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10 - 11%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng…
Đến năm 2030, GRDP/người đạt khoảng 7.500 - 8.000 USD (giá hiện hành), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 38%...
Về tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ nghệ. Là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao...
Hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Chính trị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho tỉnh Nghệ An.
Theo nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải xây dựng và thực hiện tốt; cũng như tăng cường liên kết phát triển. Với nhiệm vụ này, Bộ Chính trị lưu ý tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế.
Cụ thể gồm: hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển.
Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm, sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái.
Hành lang Quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng.
Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biển.
Cạnh đó là tăng cường hợp tác với tỉnh Thanh Hóa, hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An. Hợp tác với tỉnh Hà Tình trong phát triển khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh nhất là về dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị. Đẩy mạnh hợp tác với Hà Nội, TP HCM và các địa phương khác.
Thu hút nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới
Bộ Chính trị yêu cầu tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển.
“Nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Vinh trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về kinh tế, văn hoá, xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhà khoa học, doanh nhân về làm việc, kinh doanh, đầu tư tại tỉnh”, nghị quyết nêu rõ.
Vốn đầu tư công tiếp tục phải cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sử dụng theo hướng ưu tiên hoàn thành dứt điểm các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế ưu tiên, các khu vực động lực tăng trưởng.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, nhất là với các dự án đầu tư công trình hạ tầng trọng điểm cấp tỉnh, liên tỉnh.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp nữa là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược.
Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ.
Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.