Tờ Wall Street Journal cho biết, mặc dù đã được các chuyên gia từ phương Tây huấn luyện cơ bản, tuy nhiên phần lớn binh lính Ukraine vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn khi sử dụng vũ khí NATO trên chiến trường.
Ngoại trừ các loại vũ khí đòi hỏi trình độ làm chủ cao như HIMARS hay các loại pháo kéo, yêu cầu binh lính Ukraine phải trải qua huấn luyện bài bản để có khả năng sử dụng hiệu quả, phần lớn các loại hoả khí bộ binh khác lại thường làm khó lính Ukraine.
Ví dụ như tên lửa Javelin - loại vũ khí diệt xe tăng hiệu quả bậc nhất thế giới hiện nay, được ghi nhận là quá khó để sử dụng đối với binh lính Ukraine.
Các chuyên gia của tờ Wall Street Journal cho biết, lý do của việc này, đơn giản là từ trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, binh lính Ukraine chưa từng được tiếp cận với vũ khí chuẩn NATO một cách nghiêm túc và bài bản.
Kể từ sau khi Liên Xô tan rã cho tới nay, Ukraine vẫn luôn sử dụng các loại vũ khí theo chuẩn Liên Xô trong kho chứa của mình. Các loại vũ khí này, về cơ bản sẽ có cách thức điều khiển, cách thức sử dụng và tính năng kỹ thuật khác hoàn toàn với vũ khí NATO, vậy nên sẽ rất khó để một cựu binh Ukraine có thể thay đổi thói quen sử dụng vũ khí của mình chỉ trong một sớm, một chiều.
Rào cản tiếp theo tới từ sự bất đồng ngôn ngữ. Ukraine sử dụng tiếng Nga là chủ yếu, trong khi đó mọi hướng dẫn sử dụng và hệ thống hiển thị trên các vũ khí NATO đều sử dụng tiếng Anh, trong trường hợp khẩn cấp, sẽ rất khó để người lính đủ bình tĩnh đối mặt với sự bất đồng ngôn ngữ này.
Và cho dù binh lính Ukraine có khai thác tốt tính năng kỹ thuật của vũ khí NATO, thì việc bảo dưỡng các loại vũ khí này vẫn là một điều khó khăn. Hồi cuối tháng 7 vừa rồi, tạp chí New York Times của Mỹ cho biết, có một lượng lớn số pháo kéo M777 của Mỹ ở Ukraine bị loại khỏi cuộc chiến do hỏng hóc - chứ không phải do hoả lực của phía Nga.
Việc phải bảo dưỡng vũ khí NATO, cũng là cơn ác mộng với binh lính Ukraine. Quy trình bảo dưỡng khác biệt hoàn toàn, công cụ bảo dưỡng cũng không giống theo tiêu chuẩn trước đây, thậm chí nhiều loại vũ khí Mỹ còn sử dụng đơn vị đo inch thay cho centimets thông thường. Điều này khiến việc đảm bảo các tính năng kỹ thuật cho dàn vũ khí Mỹ và NATO trong điều kiện chiến trường Ukraine, là điều rất khó khăn - nếu không muốn nói là bất khả thi./.