a-1637829875.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Dự hội nghị, về phía Trung ương có đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ cùng các đồng chí trong đoàn công tác Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. 

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của 190 đại biểu là những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2021.

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16.487 km2, trong đó, vùng dân tộc và miền núi chiếm 83% diện tích toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống xen kẽ ở 12 huyện, thị xã.  

b-1637829896.jpeg
Các đại biểu là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống tại 12 huyện, thị xã của Nghệ An về dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Vùng dân tộc và miền núi Nghệ An là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh trong các lĩnh vực.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều quan tâm đưa vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên. 

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn khoảng 3%. Riêng 4 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu) giảm xuống còn 30,38% cuối năm 2019, bình quân giảm mỗi năm 5,22%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 toàn tỉnh đạt 44,34 triệu đồng, riêng vùng dân tộc thiểu số đạt 29,5 triệu đồng; số xã khu vực 3 giảm từ 106 năm 2016 xuống còn 76 xã, số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 1.182 xuống còn 588 thôn, bản năm 2021....

c-1637829933.jpeg
Đồng chí Vi Văn Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Trong giai đoạn 2019-2021, số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Nghệ An là 3.718 lượt người, bao gồm nhiều thành phần: già làng, trưởng thôn, trưởng bản, bí thư chi bộ thôn, bản, trưởng dòng họ, cựu chiến binh, cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nghỉ hưu, người sản xuất giỏi... 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định, đây là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, là dịp để biểu dương, tôn vinh những cá nhân có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

bna-4818016211458-25112021-1637829971.jpeg
Các đại biểu theo dõi phóng sự "Những cây đại thụ của bản làng" tại Hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, đề ra nhiều giải pháp để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc. 

“Với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo… Đó là kết quả của quá trình, đổi mới, sáng tạo, chủ động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như đội ngũ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đánh giá.

Hội nghị dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận toàn diện những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2021-2023 phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương./.