Góp vốn vào Công ty cổ phần ô tô Đại Nam 100 triệu đồng nhưng khi xin nghỉ việc và xin rút vốn thì cổ công chỉ nhận được một nửa số tiền góp vốn.

Vốn góp bị “cắt” một nửa

Mới đây, ông Đặng Quý Đôn (SN 1990, trú tại phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) có đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đối với ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Đại Nam, có địa chỉ tại lô 2 cụm công nghiệp Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) về hành vi chiếm giữ trái phép vốn của cổ đông.

bi-to-chiem-doat-von-co-dong-cty-o-to-dai-nam-noi-gi-1665045881.jpg
Trụ sở Công ty CP ô tô Đại Nam. 

Theo đó, trong đơn tố giác của ông Đôn nêu: Năm 2019, sau khi Giám đốc Công ty CP ô tô Đại Nam là ông Đào Trọng Huấn rút hết vốn, ông Nguyễn Hữu Thọ (SN 1981, trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) thế chân làm Giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật. Thời điểm ông Thọ tiếp quản lại, công ty rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Thọ đã kêu gọi những người lao động gắn bó với công ty lâu năm, trong đó có ông Đôn cùng góp vốn để tạo đà phát triển mới cho công ty.

“Ngày 11/6/2019, tôi có chuyển số tiền 100 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Hữu Thọ để góp vốn cho công ty. Theo thỏa thuận góp vốn giữa tôi với ông Thọ thì sau 3 năm kể từ ngày góp vốn, tôi sẽ được rút lại phần vốn góp”, ông Đôn trình bày trong đơn và cho biết cuối tháng 6/2022, ông có nhu cầu thay đổi công việc nên đã chủ động tìm gặp ông Nguyễn Hữu Thọ để xin nghỉ việc từ tháng 7/2022 và đề xuất được nhận lại số tiền 100 triệu đồng nhưng ông Thọ chỉ trả 49.450.378 đồng, trái với thỏa thuận ban đầu góp vốn.

Ông Đôn khẳng định, kể từ thời điểm ông Đôn góp vốn (2019) thì Công ty CP ô tô Đại Nam đều kinh doanh có lãi và chia lợi nhuận tương ứng với phần góp vốn của các cổ đông. Điều này thể hiện rõ trong bảng chia cổ tức các năm (2019 – 2022) và bảng báo cáo kết quả kinh doanh.

“Đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội làm rõ hành vi chiếm giữ 100 triệu đồng và xử lý nghiêm hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của ông Nguyễn Hữu Thọ”, ông Đôn ghi rõ trong đơn tố giác.

Ngày 5/10, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty CP ô tô Đại An phủ nhận hoàn toàn nội dung tố giác của ông Đặng Quý Đôn và cho biết công ty không làm sai.

“Trong quá trình ông Đôn góp vốn 3 năm qua đã được nhận đầy đủ báo cáo kết quả kinh doanh và giá trị thực tế của công ty hàng tháng vào kịnh kỳ ngày mùng 10 tháng sau tháng báo cáo. Ông Đôn và các cổ đông đều nhận đủ và không có thắc mắc. Tổng số lãi ông Đôn đã nhận trong 3 năm qua là 50.144.754 đồng có ký xác nhận đủ”, ông Thọ nói và cho biết đầu tháng 7/2022, ông Đặng Quý Đôn có xin nghỉ việc và xin rút cổ phần không đồng hành cùng công ty nữa và được công ty chấp thuận, chốt giá trị cổ phần hết tháng 6/2022.

Theo Giám đốc Công ty CP ô tô Đại Nam, số tiền mà ông Đôn được nhận là do cổ đông này chỉ sở hữu 4.000 cổ phiếu và đã trừ hết các khoản nợ, khấu trừ tài sản của công ty. Điều này thể hiện theo công thức: Giá trị công ty = tổng tài sản – các khoản nợ phải trả. Giá cổ phiếu = giá trị công ty/tổng số cổ phiếu.
Tuy nhiên, ông Đôn lại cho rằng, thời điểm ông góp vốn, công ty không lập biên bản thỏa thuận nào để giải thích rõ cho ông về cách tính giá trị cổ phần, giá trị tài sản công ty như ông Thọ nêu trên. Đây là sự giải thích trí trá từ ông Thọ nhằm mục đích cố tình chiếm đoạt số tiền góp vốn của cổ đông. Từ đó làm tiền lệ để tiếp tục ăn chặn tiền của những người góp vốn tiếp theo nếu những người này xin nghỉ việc.

Chiếm giữ trái phép tài sản?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Thị Loan - Công ty luật TNHH Bùi Loan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sau thời điểm ông Đôn tiến hành góp vốn, phía Công ty CP ô tô Đại Nam liên tục làm ăn có lãi. Tài liệu chứng minh cho điều này là các văn bản về việc chia cổ tức của Công ty CP ô tô Đại Nam. Chỉ với những tài liệu này thôi thì cũng đã đủ cơ sở để khẳng định rằng vốn mà ông Đôn góp vào Công ty được bảo toàn và sinh lời. Do vậy, khi ông Đôn yêu cầu rút phần vốn góp (theo đúng thỏa thuận ban đầu) thì không có gì phải tranh cãi về nguyên tắc đó là ông Đôn góp bao nhiêu thì phải được nhận về bấy nhiêu.

Hơn nữa, ngoài phần vốn đã góp được nhận về, ông Đôn sẽ còn được nhận về cả phần lợi tức do Công ty làm ăn có lãi tương ứng với tỷ lệ vốn góp mà ông Đôn chưa được nhận.

Về phía người nhận góp vốn, với những tài liệu về việc Công ty liên tục làm ăn có lãi và đều tiến hành chia lợi tức cho những người đã góp vốn thì mọi lời giải thích không dựa trên các tài liệu có giá trị pháp lý (Báo cáo tài chính, Kết luận định giá… của các cơ quan có thẩm quyền) nhằm mục đích không hoàn trả hoặc chỉ trả lại một phần tiền vốn mà người góp vốn đã góp đều có thể được coi là thủ đoạn nhằm cố tình chiếm giữ tài sản của người góp vốn.

Đặc biệt, khi người góp vốn nhiều lần yêu cầu hoàn trả lại phần vốn góp và lợi tức phát sinh từ vốn góp mà phía nhận góp vốn không hoàn trả thì hành vi này của bên nhận góp vốn đã có dấu hiệu rất rõ ràng của “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, người góp vốn có thể làm đơn tố giác hành vi chiếm giữ trái phép tài sản tới cơ quan điều tra để yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, ông Đôn cũng có thể làm đơn đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác như cơ quan thuế vào cuộc để thanh kiểm tra xem liệu hoạt động Công ty trong thời gian ông Đôn góp vốn có điều gì bất minh không. Bởi trong khi công ty làm ăn có lãi và người góp vốn được chia lợi tức mà các báo cáo do kế toán lập thì tài sản bị sụt giảm. Có hay chăng vấn đề phản ánh không đúng các bút toán, báo cáo sổ sách để không phải nộp thuế hoặc nộp thuế đầy đủ…/.