Thiếu tình thương gia đình, tình cảm bạn bè

Lưu Kỳ sinh năm 1984 tại một ngôi làng miền núi nghèo ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Từ nhỏ, cậu đã thông minh hơn những người xung quanh và học hỏi mọi thứ rất nhanh, theo Sohu.

ko-1685420794.png
Cha mẹ Lưu Kỳ bắt đầu đi làm xa nhà khi cậu mới học cấp 2. Trong ảnh là Lưu Kỳ và mẹ

Cha mẹ Lưu Kỳ đã phải chịu đựng thiệt thòi từ nhỏ nên họ biết cách duy nhất vượt qua khó khăn là học tập. Tại ngôi làng miền núi nghèo nàn và lạc hậu này, hai vợ chồng đặt mọi hy vọng vào con trai và dạy cậu chăm chỉ học tập từ khi còn nhỏ. 

Khi Lưu Kỳ chỉ mới học cấp 2, cha mẹ rời quê làm việc và chỉ về nhà một vài lần dịp lễ tết. Gánh nặng chi phí tạm thời được xoa dịu nhưng cậu lại thiếu tình thương và sự đồng hành của gia đình.

Lưu Kỳ chưa bao giờ quên lời dạy bảo của cha mẹ và điểm số luôn thuộc hàng nhất lớp. Tuy nhiên, cho dù thành tích cao như thế nào, Lưu chưa bao giờ nở một nụ cười vui vẻ trên khuôn mặt, nguyên nhân được cho là cậu đã xa cha mẹ từ khi còn nhỏ và bắt đầu ít nói sống nội tâm từ đó.

Vì không hòa đồng được với các bạn học xung quanh nên cậu không có nhiều bạn. Cứ như vậy, Lưu Kỳ lớn lên trong một môi trường thiếu cả tình thương gia đình và tình cảm bạn bè.

8-1685420834.png
Việc cậu trở thành thủ khoa tỉnh Hồ Nam làm nức lòng cả ngôi làng nhỏ.

Năm 2002, Lưu Kỳ bước vào kỳ thi tuyển sinh Cao Khảo khốc liệt và xuất sắc trở thành thủ khoa ban Khoa học tỉnh Hồ Nam với số điểm 654.

Sau 10 năm khổ luyện, Lưu Kỳ đã trở nên nổi tiếng khắp tỉnh và cả Trung Quốc. Cậu trở thành niềm tự hào cho ngôi làng nhỏ nghèo trên vùng núi hẻo lánh.

9 năm thất nghiệp, 4 lần chẩn đoán mắc bệnh tâm thần

Việc Lưu Kỳ lựa chọn ĐH Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh (Bắc Hàng) là một bất ngờ bởi điểm số của cậu hoàn toàn có thể vào ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh. Chia sẻ với phóng viên, Lưu cho biết đó là định hướng của cha mẹ bởi họ tin rằng con trai giỏi khoa học và kỹ thuật nên lựa chọn Bắc Hàng sẽ có lợi hơn cho sự phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, Lưu Kỳ hoàn toàn vô danh và không có chút dấu ấn nào trong những năm tháng đại học. Tốt nghiệp ngôi trường danh giá, cậu sớm kiếm được việc làm và trở thành nhân viên cấp thấp của một doanh nghiệp lớn, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng được coi là ổn định. Tuy nhiên, Lưu nghỉ việc sau khi làm việc chưa đầy một năm, bởi cảm thấy mức lương không đáp ứng được kỳ vọng và triển vọng thăng tiến không rõ ràng.

Sau đó, Lưu Kỳ chuyển đến các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, nhưng tất cả đều kết thúc trong thất bại. Các công ty lớn đều từ chối bởi cho rằng cậu thiếu kinh nghiệm làm việc.

Năm 2011, bà của Lưu Kỳ qua đời. Cùng với những trở ngại lặp đi lặp lại, cậu quyết định về nhà nghỉ ngơi một thời gian ngắn nhưng không ngờ kéo dài tận 9 năm. Cậu mỗi ngày đều ở nhà, không muốn ra ngoài làm việc, cũng không muốn đối mặt với trở ngại.

Cha mẹ cố gắng thuyết phục Lưu ra ngoài tìm một công việc phù hợp, không cần lương hậu hĩnh nhưng ít nhất cũng đủ cơm ăn áo mặc, tuy nhiên, cậu không nghe. Mâu thuẫn gia đình sâu sắc, Lưu thường xuyên xảy ra tranh cãi với cha mẹ.

Sau đó, cha mẹ đã tìm được cho cậu một công việc nhân viên bảo vệ. Lưu cảm thấy bẽ mặt và lời qua tiếng lại. Vợ chồng ông Lưu không bao giờ ngờ rằng đứa con nhân cách tốt lại trở nên như vậy, thậm chí còn nghi ngờ rằng Lưu mắc bệnh tâm thần.

Họ ép đưa cậu đến bệnh viện để kiểm tra. Thật không may, bác sĩ thông báo rằng Lưu đang bị trầm cảm và tâm thần phân liệt nhẹ. Về nhà, mâu thuẫn giữa Lưu Kỳ và cha mẹ anh ngày càng gay gắt. Trong 9 năm, Lưu được đưa vào bệnh viện 4 lần, những lần hội chẩn đã đẩy cậu xuống vực thẳm và giam mình trong nhà.

Trên thực tế, sau cánh cửa đóng kín, Lưu vẫn tự học những kiến ​​​​thức điện tử, tự mình thực hiện một số phát minh nhỏ về màn hình điện tử. Sau khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, Lưu Kỳ dần thay đổi tâm lý và bắt đầu cố gắng hòa nhập vào xã hội bằng nỗ lực của bản thân. Anh cũng chứng minh nỗ lực của mình với mọi người chứ không an phận "an dưỡng tuổi già".

Theo Tử Huy - vietnamnet.vn