Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ghi nhận nhiều ca bệnh nhiễm cúm A. Nhóm nguy cơ cao bị bệnh là trẻ dưới 5 tuổi, người 65 tuổi trở lên, mẹ bầu, người có hệ miễn dịch kém, người đang mắc một số bệnh lý như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, hen, phổi, bệnh tim mạch…

Một số triệu chứng của bệnh cúm A có thể kể đến như sốt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, đau họng, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, kiệt sức, buồn nôn, tiêu chảy… Bệnh thường có thể hồi phục trong 7 ngày.

Bác sĩ Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, cúm A lây qua đường hô hấp, nên khi bị nhiễm cúm bạn cần cách ly để tránh lây bệnh sang người khỏe. Nếu phải ra ngoài, bạn cần đeo khẩu trang. Người tiếp xúc với bệnh nhân cũng nên đeo khẩu trang và đảm bảo rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh.

s-1659011494.jpg

Chế độ dinh dưỡng với người bị bệnh rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

 Khi bị cúm, người bệnh nghỉ ngơi tại phòng riêng thông thoáng, súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh.

Người mắc cúm A thường mệt mỏi và chán ăn, nhất là trẻ em và người già. Điều này, có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và khiến cho quá trình hồi phục của người bệnh lâu hơn rất nhiều.  

Bác sĩ Vân khuyến cáo người nhiễm cúm A ngoài việc tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ thì cần đảm bảo bổ sung dưỡng chất như ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn dễ tiêu, bổ sung vitamin từ rau củ quả, trái cây, uống nhiều nước.

Bổ sung vitamin A: Các thực phẩm tốt, chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Có thể kể đến một số thực phẩm như rau củ và trái cây màu xanh đậm, gồm rau cải xoăn, rau ngót, bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, gấc, cà chua… 

Bổ sung vitamin C: Thực phẩm chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, từ đó cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng, phòng ngừa biến chứng bệnh. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin C có thể kể đến như ổi, dâu tây, nho, kiwi, cam, quýt, chuối, lê, táo, ớt chuông, bông cải xanh…

Bổ sung kẽm: Người bệnh có thể bổ sung thêm kẽm, tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng hiệu quả. Bổ sung kẽm cũng là cách góp phần cải thiện những triệu chứng của một số bệnh về đường hô hấp như bệnh cúm, xoang, viêm phổi… Những thực phẩm chứa nhiều kẽm mà bệnh nhân mắc cúm A nên bổ sung là thịt nạc, sò, hàu, tôm, cua, cá, trứng, sữa.

Thêm gia vị tỏi, gừng: Các loại gia vị tốt cho người bị cúm như tỏi, hành, gừng. Tỏi có chứa allicin, hợp chất sulfur hiệu quả trong việc kháng khuẩn, tiêu viêm. Do đó, khi ăn tỏi, các triệu chứng ho và nghẹt mũi ở bệnh nhân bị cúm A được cải thiện đáng kể. Người bệnh nên lưu ý bổ sung tỏi trong chế độ ăn hàng ngày bằng cách kết hợp những loại thực phẩm khác. 

Với người bị cúm, bác sĩ Vân khuyến cáo cũng nên bổ sung gừng trong thực đơn mỗi ngày. Bạn có thể kết hợp gừng trong các món cháo gà, canh gà hoặc bệnh nhân cũng có thể sử dụng trà gừng để cải thiện triệu chứng cúm. Ngoài ra, bạn có thể uống mật ong hàng ngày. Mật ong có tính kháng khuẩn đồng thời tăng cường sức đề kháng. Bạn nên sử dụng trà mật ong gừng, mật ong chanh tươi cùng nước ấm để giảm ho và giảm đau họng.