Những người thích xê dịch đang trở lại châu Âu khiến du lịch trở nên hỗn loạn với tình trạng delay, hủy chuyến và chen chúc mệt mỏi ở sân bay. Chưa dừng lại ở đó, du khách có hành vi xấu xí đang đổ thêm dầu vào lửa, theo Fodors.
Gần đây, hàng loạt sự việc tiêu cực được ghi nhận tại các điểm nóng du lịch.
Đầu tháng 6, nhóm 4 du khách Đức bị phạt 4.200 euro vì hồn nhiên trải khăn lên nắp giếng cổ 300 tuổi ở Venice (Italy) để ăn trưa. Cảnh sát nhanh chóng tới di tích lịch sử này sau khi nhận tin báo và xử phạt mỗi người 1.050 euro.
Marco Agostini, Cảnh sát trưởng của thành phố, nói với The Times rằng các sĩ quan bận rộn hơn khi số lượng khách du lịch ở Venice tăng trở lại, khoảng 90.000-100.000 người/ngày.
“Chúng tôi phải ngăn chặn những người điều khiển flycam, lượn lờ quanh quảng trường St Mark trên xe trượt 2 bánh và lặn trong kênh đào”, ông nói.
Venice có nhiều quy tắc du lịch nghiêm ngặt như cấm nhảy xuống kênh, xả rác, mặc đồ bơi, vẽ bậy, cho chim bồ câu ăn, thêm ổ khóa trên thành cầu, đi xe đạp hay dã ngoại ở nơi công cộng. Tuy nhiên, không ít du khách không hiểu luật và phải chịu hậu quả vì vi phạm.
Đây là điều thường xuyên xảy ra ở các điểm du lịch trên thế giới.
Đau đầu vì khách du lịch
Ngày 8/6, 2 du khách Mỹ gây thiệt hại 25.000 euro sau khi phi chiếc xe trượt 2 bánh mà họ thuê xuống di tích lịch sử Spanish Steps, gồm các bậc thang bằng đá cẩm thạch từ thế kỷ 18, ở Rome (Italy).
Cảnh sát sau đó bắt giữ và phạt mỗi người 400 euro. Cặp đôi này cũng bị cấm quay trở lại di sản thế giới được Unesco công nhận.
Vụ việc xảy ra 2 tuần sau khi một du khách Ả Rập Saudi lái chiếc Maserati làm vỡ 2 bậc thềm. Lệnh cấm xâm phạm Spanish Steps được áp dụng từ năm 2018.
Số lượng du khách đến thăm Italy đã trở lại mức trước đại dịch, với đám đông chen chúc tại các địa danh văn hóa. Hai điểm nóng là Rome và Venice đều trở thành nạn nhân của du lịch quá mức.
Tháng 4, 2 du khách Hà Lan bị phạt 1.000 euro vì nhảy vào đài phun nước Trevi - điều khá phổ biến trước đại dịch.
Đầu tháng 6, một người đàn ông Argentina 39 tuổi bị buộc tội vi phạm các quy tắc nghiêm ngặt về khu vực cấm bay sau khi điều khiển flycam đâm vào mái của tượng đài Piazza Venezia ở trung tâm Rome.
Hồi tháng 1, một du khách Czech bị phạt 450 euro, trục xuất khỏi Venice và cấm trở lại trong 48 giờ sau khi chụp ảnh ngực trần ở đài tưởng niệm chiến tranh.
Một du khách Pháp chèo thuyền dọc theo kênh đào Grand Canal và 2 phụ nữ Đức mặc bikini tắm nắng bên nhà thờ San Stae cũng bị cảnh cáo.
Ở châu Á, thiên đường nghỉ dưỡng Bali của Indonesia chứng kiến hàng loạt sự việc du khách nước ngoài cư xử tồi tệ từ khi mở cửa du lịch quốc tế vào tháng 3, theo SCMP.
Tháng 4, Jeffrey Craigen, nam diễn viên người Canada, đăng video nhảy khỏa thân trên ngọn núi thiêng ở Bali. Các nhà chức trách đã giam giữ người này vì hành vi thiếu tôn trọng. Anh ta cũng bị trục xuất và cấm trở lại hòn đảo.
Hồi tháng 5, vợ chồng Alina Fazleev, influencer người Nga, bị trục xuất khỏi Bali vì tấm ảnh khỏa thân dưới gốc cây cổ thụ 700 năm tuổi. Họ bị cấm tái nhập cảnh ít nhất 6 tháng.
Năm 2021, chính quyền Bali đã trục xuất gần 200 người vì nhiều lý do, trong đó có các hành vi không tôn trọng phong tục địa phương và vi phạm quy tắc phòng dịch Covid-19.
“Bali cần khách du lịch, nhưng nếu họ phá vỡ các chuẩn mực và quy tắc địa phương, chúng ta cần ngăn chặn để mọi việc không đi quá xa. Nếu họ vẫn ngoan cố, chúng ta nên thẳng thừng trục xuất”, Niluh Djelantik, doanh nhân và nhà hoạt động xã hội ở Bali, bày tỏ.
Mạnh tay ngăn chặn
Năm 2018, Luigi Brugnaro, Thị trưởng thành phố Venice, đề xuất “lệnh cấm ngồi” để ngăn du khách ngả lưng tại một số khu vực nhất định của thành phố với mức phạt 50-500 euro.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm kiểm soát số lượng du khách và hành vi xấu xí của họ, Venice sẽ áp thuế du lịch vào năm 2023 đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra trên đường phố.
Thành phố Amsterdam (Hà Lan) có kế hoạch cấm du khách đến các cửa hàng cà phê cần sa và đánh thuế du lịch thuộc hàng cao nhất ở châu Âu.
Tại quần đảo Baleares ở Tây Ban Nha, luật mới được đưa ra nhằm hạn chế số lượng đồ uống tại các khu nghỉ dưỡng thường diễn ra những bữa tiệc thác loạn. Các quán bar và nhà hàng cũng từ chối tiếp khách mặc đồ bơi hoặc áo thun bóng đá.
Đàn ông để ngực trần và phụ nữ mặc bikini sẽ bị phạt tới 300 euro nếu bị phát hiện trên đường phố ở Barcelona và Marjorca.
Khách du lịch cũng có thể bị phạt tới 750 euro vì sử dụng xà phòng hoặc dầu gội đầu tại một số cơ sở tắm công cộng trên bãi biển bởi hóa chất có thể gây hại cho sinh vật biển.
Thuốc lá bị cấm trên một số bãi biển ở các khu vực gồm Barcelona, quần đảo Baleares và Canary. Khách du lịch vi phạm có thể bị phạt tới 2.000 euro.
Uống rượu trên đường phố Barcelona và Madrid có thể dẫn tới mức phạt 600 euro.
Fernando Valdes, Bộ trưởng Ngoại giao về Du lịch Tây Ban Nha, hứa rằng những khách du lịch có hành vi xấu xí sẽ không được chào đón ở xứ sở bò tót.
Năm 2019, thống đốc Bali tuyên bố chính quyền sẽ trục xuất những du khách coi thường văn hóa và phong tục địa phương. Hòn đảo phải đối phó với các mối đe dọa do du lịch quá mức từ nhiều năm nay.
Hậu đại dịch Covid-19, thế giới mở cửa trở lại và mọi người đều muốn ra ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là cách trở thành khách du lịch có trách nhiệm. Hãy tôn trọng văn hóa địa phương và tuân theo các quy định pháp luật nếu không muốn bị giam giữ, phạt tiền, trục xuất cũng như bêu riếu trên mạng xã hội, Fodors khuyến cáo./.