Bệnh nhân mua thuốc giá cao vì bệnh viện... không có thuốc
Tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội), giữa trời nắng oi bức, một người phụ nữ tất tả đi thật nhanh về phía cổng viện. Khi được hỏi, chị kể: “Người nhà tôi vào viện truyền hóa chất.
Thuốc bestdocel 80mg/4ml, mọi lần loại thuốc này bảo hiểm chi trả, nhưng người nhà tôi vào viện rồi mà mãi không có y lệnh, khi tôi hỏi thì bác sĩ nói là bệnh viện hết thuốc rồi, nếu muốn truyền luôn thì phải đi mua ngoài. Thế là họ kê đơn cho nên tôi đi mua. May mà hôm nay tôi trực ở cổng viện, nếu không mẹ tôi phải tự đi mua thuốc mất”.
“Khi tôi hỏi 1 nhà thuốc, thì bảo chỉ còn loại 2ml, giá 200 nghìn đồng, 1 lần truyền cần 4 chai, giá 800 nghìn đồng” - chị P.A.T (26 tuổi - Hà Nội) chia sẻ rồi tất tả chạy đi, không kịp nói thêm câu nào. Mồ hôi trên khuôn mặt đỏ ửng cháy nắng của chị đua nhau nhỏ xuống như mưa.
Một trường hợp khác, người nhà bệnh nhân H.V.T (Hòa Bình) đi tìm nhà thuốc bệnh viện hỏi mua kim truyền dịch cho người nhà. Tuy nhiên, nhà thuốc không bán nên anh này phải ra các nhà thuốc tại cổng Bệnh viện K để mua cây kim luồn với giá 3.000 đồng/cây.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, việc người bệnh phải tự mua kim truyền dịch hay một số vật tư y tế khác là chuyện thường xuyên ở bệnh viện này. Người nhà anh đã điều trị khoảng 1 năm trở lại đây, lần nào đến viện truyền cũng phải đi mua kim luồn. Vì thế đã thành quen, bệnh nhân hay người nhà không thấy có gì “bất thường”.
Không được cấp đầy đủ thuốc theo bảo hiểm y tế là hoàn cảnh chung của nhiều bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại một số bệnh viện tuyến tỉnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân phải móc hầu bao mua thêm thuốc với lý do bệnh viện “cạn” thuốc.
Điều trị bệnh tăng huyết áp và mỡ máu nhiều năm nay, bà L.T.T.H (54 tuổi, Hà Nội) đã quen với việc đến Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) kiểm tra và lấy thuốc định kỳ bằng thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, bà H rất bất bình về tình trạng bác sĩ kê toa giảm số lượng thuốc với lý do bệnh viện không đủ thuốc.
“Ngay từ lúc bác sĩ kê đơn đã nói với tôi rằng, bệnh viện không có đủ loại thuốc theo toa như trước đây. Bệnh viện còn thuốc gì thì phát thuốc đó.
Tôi được thanh toán chi phí khám chữa bệnh với mức 95%. Nếu mua đủ toa thuốc như trước đây, tôi phải đóng thêm 25.000 đồng. Nhưng thời gian gần đây, thiếu thuốc, bác sĩ kê đơn giảm thuốc nên tôi không phải đóng thêm tiền” - bà H nói.
Được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn mỡ máu, huyết áp không ổn định, bà Đ.T. H (59 tuổi, Hà Nội) phải lấy thuốc theo đơn thường xuyên, nhưng đã 2-3 lần đến khám và xin cấp thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thanh Nhàn thì đều được bác sĩ trả lời không đủ thuốc.
“Hơn 2 tháng nay bác sĩ cứ nói không có thuốc thì chúng tôi biết làm thế nào? Không còn cách nào khác, tôi phải bỏ tiền túi ra mua ngoài, một tháng mất thêm gần 500.000 đồng tiền thuốc, trong khi thuốc đó đều thuộc danh mục bảo hiểm chi trả” - bà H thở dài.
Tại nhiều tỉnh thành, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cũng đang xảy ra ở các bệnh viện lớn. Như Lao Động đã đưa tin, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang... nhiều loại thuốc dành cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế bị thiếu hụt trầm trọng. Việc phải tự bỏ tiền túi ra mua khiến nhiều người bệnh bức xúc vì mất quyền lợi.
Cách nhau 100m, giá thuốc cao gấp đôi
Theo phản ánh của người dân, một số bệnh viện tuyến Trung ương cũng rơi vào tình trạng thiếu biệt dược, khiến người bệnh phải chạy ngược chạy xuôi tìm mua.
Điển hình, một bệnh nhân nữ (44 tuổi, Hưng Yên) được bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán bệnh cơn nhịp nhanh nhĩ. Người này đi hết quầy thuốc trong bệnh viện vẫn không mua được hết thuốc bác sĩ kê đơn vì lý do bệnh viện không đấu thầu loại thuốc này. Bất đắc dĩ, người bệnh phải tìm mua đơn thuốc tại các hiệu thuốc bên ngoài, nhưng ngỡ ngàng vì mỗi nơi một giá.
Đặt chân vào cửa hàng thứ nhất trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai), 4 loại thuốc được định giá là 1.330.000 đồng; cách 50m, hiệu thuốc thứ 2 “ra giá” 1.450.000 đồng; di chuyển thêm 50m, hiệu thuốc “thách giá” 2.910.000. Như vậy, chỉ cách nhau 100m nhưng giá thuốc đã cao gấp đôi.
“Bác sĩ kê đơn thuốc và lưu ý mua đúng biệt dược trên đơn. Tuy nhiên, tôi đã đi 4 hiệu thuốc trong bệnh viện nhưng không có đủ thuốc. Đến lúc hỏi mua bên ngoài thì tá hỏa vì mỗi nơi một giá. Chưa biết chất lượng thế nào mà giá cả quay cuồng thế này thì bệnh nhân chúng tôi không biết phải làm thế nào” - người bệnh nói.
Có thể thấy, “cơn khát” thiếu thuốc khiến giá thuốc “nhảy múa” là những tồn tại bất hợp lý mà người bệnh phải âm thầm, “cắn răng” chịu đựng, trong khi họ đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật.
Bệnh viện ngần ngại đấu thầu, mua sắm
Sự thật là ngoài bệnh tật, bệnh nhân khắp các bệnh viện đang phải chịu đựng những khó khăn, vất vả “vô hình” từ việc thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện. Tuy nhiên, khi phóng viên Lao Động đặt vấn đề, phỏng vấn thì hầu hết lãnh đạo các bệnh viện đều ngại lên tiếng vì... sợ.
“Đó là sự thật. Nhưng chúng tôi đang lực bất tòng tâm. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để giải quyết từng phần những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho người bệnh. Tuy nhiên, đây là câu chuyện... hệ thống, chúng tôi không thể giải quyết rốt ráo được”- một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương chia sẻ với Lao Động và xin giấu tên.
Trước tình trạng không ít bệnh viện công trên cả nước thiếu thuốc, thiết bị y tế, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, nguyên nhân là các giám đốc không “mặn mà”, thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.
“Cá nhân tôi cũng thấy điều đó, có hiện tượng bị thiếu thuốc men, vật tư trang thiết bị… Đây là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, đến nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm” - đại biểu Trí đánh giá.