Phản ánh tới Infonet, bác sĩ K.A, tình nguyện viên từng tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 tại TP.Thủ Đức cho biết, đến nay sau khi bệnh viện đã đóng cửa nhưng các y bác sĩ, tình nguyện viên vẫn chưa nhận được phụ cấp chống dịch.
Bác sĩ K.A cho biết anh tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 từ ngày 26/7 đến hết tháng 9/2021, đến giữa tháng 10 bệnh viện đóng cửa theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng đến hiện tại các tình nguyện viên và các y bác sĩ tham gia công tác điều trị bệnh nhân tại đây đều chưa nhận được phụ cấp chống dịch. Bản thân bác sĩ K. A từng trở thành F0 khi tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
BS K.A cho biết thời gian qua anh và rất nhiều tình nguyện viên cùng làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 1 nhận được các văn bản đòi nghiệm thu công việc, trong khi đó hợp đồng cũng như bảng chấm công bệnh viện đều gửi hết lên Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức.
Theo nghị định 12 của HDND TP.HCM, bác sĩ K. A là lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và cơ sở cách ly tập trung.
Không riêng bác sĩ K.A, nhiều bác sĩ tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1 từ tháng 6/2021 khi đó chỉ là cách ly F1 đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Trong khi đó các bệnh viện dã chiến khác đã nhận được hỗ trợ. Thậm chí, có đoàn bác sĩ từ Quảng Nam sau thời gian tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 trở về địa phương và lại đi “vòng 2” thì họ đã nhận được tiền hỗ trợ chống dịch vòng 2 nhưng vòng 1 thì chưa.
BS K.A cho biết bản thân anh thấy vấn đề phụ cấp là nhạy cảm nhưng điều mọi người bức xúc đó là vì sao Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức chậm chi trả tiền hỗ trợ chồng dịch?
Về phụ cấp chống dịch, theo hợp đồng lao động đầu tiên được ký kết với của các tình nguyện viên được thông báo phụ cấp sẽ là mức 300.000 đồng/ngày đối với các nhóm chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp với F0 trong quá trình làm việc và mức 200.000 đồng/ngày đối với các nhóm làm việc gián tiếp theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
Theo BS K. A, tập thể nhân viên y tế hay các tình nguyện viên từ ngày đầu tiên tham gia tình nguyện tới những ngày cuối đều không tâm niệm lên bệnh viện và ở lại hỗ trợ vì tiền mà tất cả vì muốn góp công sức nhỏ nhoi của mình chống dịch cho thành phố.
Nhưng hiện tại, để được nhận tiền hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước thì mọi người phải điền vào biên bản nghiệm thu. Trong biên bản không có thông tin gì ngoài chữ ký của tình nguyện viên và đại diện Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức.
Hơn 80 tình nguyện viên của Bệnh viện Dã chiến số 1 thấy bức xúc vì chậm nhận tiền phụ cấp trong khi đó giấy tờ đã thông qua hợp đồng hai bên ký trước đó nhưng vẫn yêu cầu các thủ tục khác mới được nhận.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Chức – Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức, cho biết việc yêu cầu ký các biên bản nghiệm thu là yêu cầu của cơ quan kho bạc để họ chi trả chứ không phải là do Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức làm khó các tình nguyện viên.
Ngoài ra, ông Chức cũng thông tin hiện nay các thủ tục chi trả cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 1 đã được đưa ra kho bạc và sẽ được chi trả trong thời gian sớm nhất.
Theo Nghị quyết 12 ngày 24/8/2021 của HĐND TP.HCM hỗ trợ lực lượng chống dịch như sau:
Lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp: 10 triệu đồng/người.
Lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp: 4,5 triệu đồng/người.
Tổ Covid-19 cộng đồng: 2 triệu đồng/người.
Lực lượng Tình nguyện viên được thành phố huy động tham gia phòng chống dịch có 2 mức: 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng.
Nghị quyết 16 của Chính phủ ngày 8/2/2021 quy định về chi phí cách ly y tế khám, chữa bệnh và chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, quy định chế độ phụ cấp chống dịch cao nhất là 300.000 đồng, tiếp theo là 200.000 đồng, 150.000 đồng, 130.000 đồng và 80.000 đồng, tùy vị trí công việc mà mức trợ cấp cao thấp khác nhau./.