Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trong thời gian qua. Đó là không ít người dân khi lợn đã bị nhiễm bệnh vẫn không khai báo với cán bộ thú y và chính quyền địa phương để tiêu hủy và có biện pháp cách ly, thậm chí còn giết lợn để bán với hy vọng thu lại phần chi phí đã đầu tư vào chăn nuôi. Tình trạng giết mổ lợn tự do, tự phát trong dân đang phổ biến dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bùng tái phát dịch.
Cùng với đó, việc buôn, bán thịt lợn trên thị trường diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Thịt lợn được bày bán tràn lan, trong và ngoài chợ, dọc đường. Một số tư thương buôn bán thịt lợn rong tại các địa bàn thôn, xóm, bản, nhất là vùng miền núi… Công tác vệ sinh chuồng trại trước và sau bệnh dịch thực hiện chưa thường xuyên, triệt để, trong khi đó, virus bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại khắp mọi nơi từ dưới nền đất, vách tường chuồng trại, bám vào bụi bặm, trong nước… Nếu không vệ sinh chuồng trại tốt, không thường xuyên rải vôi khử trùng, không phun hóa chất tiêu độc, khử trùng… thì mầm mống dịch bệnh có cơ hội tái phát.
Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh "hạ nhiệt" đáng kể, nhưng nguy cơ tái dịch cao, bởi hiện nay chưa có vắc-xin phòng dịch; chăn nuôi lợn chủ yếu vẫn là nông hộ, nhỏ lẻ, chưa áp dụng các giải pháp an toàn dịch bệnh, vệ sinh sát trùng còn hạn chế. Đặc biệt, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển, chăn nuôi lợn tại nhiều địa phương còn khó quản lý. Do vậy, để khống chế được dịch lâu dài, theo ông Đặng Văn Minh, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng dịch theo Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi. - Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y