Ngày 22/6, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho hay, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của viện mới đây tiếp nhận bé trai 32 tháng tuổi (Cẩm Khê, Phú Thọ) vào viện trong tình trạng khó thở từng cơn, tím tái, rút lõm nhiều, rale rít nhiều bên phải, không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
Gia đình cho biết, trước đó trẻ đi học về tối đột ngột quấy khóc sau đó khó thở tím tái. Người lịm đi, gọi không biết. Trẻ được đưa đến trạm y tế gần nhà.
Tại đây, khi được kích thích đau, trẻ đã bật khóc, da hồng lại nhưng vẫn khó thở. Bệnh nhi được đưa đến Trung tâm y tế huyện và được đặt ống nội khí quản, thở máy.
Sau 12 giờ, tình trạng trẻ ổn, được rút ống. Tuy nhiên, sau rút ống vẫn xuất hiện khó thở, tím từng cơn nên các bác sĩ đã cho chuyển đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.
Khai thác từ gia đình, trẻ không có tiền sử bệnh lý, sau khi loại trừ các trường hợp có thể xảy ra, các bác sĩ nghĩ tới dị vật đường thở.
Trẻ được chỉ định chụp CT lồng ngực. Hình ảnh chụp cho thấy trẻ bị tắc phế quản gốc bên phải. Ngay lập tức trẻ được đặt ống nội khí quản lại và tiến hành nội soi phế quản ngay tại giường, gắp ra được dị vật có kích thước 0,3x1cm, nghi giống miếng thịt tôm. Hiện tại thông khí đã ổn, trẻ được rút máy và có thể tự thở.
Hóc dị vật đường thở, hậu quả rất nặng nề và thương tâm
Theo ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi, hóc dị vật là tai nạn thường gặp phải ở trẻ nhỏ, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời rất có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tuổi, khả năng trao đổi thông tin, mô tả của trẻ với người lớn còn khó khăn, nếu trong tầm mắt quan sát của người lớn, khi thấy trẻ bị hóc, sặc thì có thể xử trí kịp thời.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ đi ra ngoài chơi hoặc ở ngoài tầm nhìn của cha mẹ, người lớn, không biết trẻ có ăn gì hay không. Bác sĩ khuyên, nếu thấy có các dấu hiệu bất thường, xảy ra đột ngột như: Cơn khó thở, tím tái, không xác định được nguyên nhân (mà trước đây trẻ không có các tiền sử bệnh lý liên quan đến các cơn khó thở đó), thì gia đình nên nghĩ tới việc trẻ có thể hóc dị vật.
Khi đó, cần sơ cứu trẻ như vỗ lưng, ấn ngực để dị vật có thể rơi ra ngoài.
Bác sĩ Hưng cũng khuyến cáo, trẻ hóc dị vật có thể bị suy hô hấp rất nhanh, trẻ rơi vào tình trạng thiếu oxy, lơ mơ và có thể bị hôn mê ngay sau đó.
Cha mẹ có trẻ nhỏ cũng nên trang bị cho mình những kỹ năng xử trí khi trẻ bị hóc dị vật. Nếu không xử trí ngay lập tức và thời gian di chuyển đến cơ sở y tế quá xa, trên 5 phút thì cơ hội cứu sống rất thấp, có thể gây tổn thương rất lớn đến não bộ, trẻ sẽ phải chịu những di chứng đáng tiếc.
Trước đó, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ và nhiều cơ sở y tế cũng đã tiếp nhận và xử trí kịp thời các trường hợp bị hóc dị vật như: Xương cá đâm xuyên qua cơ ức đòn chũm và tuyến giáp, trẻ bị hóc dây thép ở vỉ rây cháo… Rất may các bé được đưa đến bệnh viện kịp thời nên không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, đã có những bé tử vong hoặc biến chứng lên não vì hóc dị vật. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, một bệnh nhi tử vong do hóc cọng kẽm quấn quanh đầu cây xúc xích. Một bé 2 tuổi khác bị di chứng não do thiếu oxy kéo dài vì hóc đồ chơi treo trên xe tập đi. Bé được đưa vào bệnh viện khá muộn