Tàu SE14 đã rời ga Sài Gòn chở 748 công dân Hà Tĩnh về quê theo nguyện vọng. Trên chuyến tàu đặc biệt này có một bé gái gần 11 tuổi, do mẹ đi cách ly phải ở nhà 1 mình suốt 24 ngày.
Chuyến tàu nhân đạo SE14 đón bà con Hà Tĩnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê đã khởi hành vào lúc 20h45' ngày 24/7/2021 tại ga Sài Gòn. Theo kế hoạch, chuyến tàu đặc biệt chở 748 công dân, trong đó có 689 người lớn và 59 trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không đón trả khách dọc đường và về đến ga Yên Trung (Đức Thọ) vào lúc 5h ngày 26/7.
Do số lượng đăng ký về quê tại Sở Lao động TB&XH Hà Tĩnh lên đến 3.000 người nên chuyến tàu lần này sẽ ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, mẹ bầu, sinh viên nghèo, công nhân thất nghiệp, người khuyết tật hoặc đi chữa bệnh bị mắc kẹt. Tất cả họ là những trường hợp đặc biệt cùng đi trên một chuyến tàu đặc biệt.
Trong số 748 công dân Hà Tĩnh về quê trên chuyến tàu lần này, có một hoàn cảnh rất đáng thương là cháu N.T.N.A. (SN 2010, quê thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh), phải ở một mình suốt 24 ngày qua trong phòng trọ tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức do mẹ cháu đi cách ly tập trung khi Công ty có ca nhiễm Covid-19.
Trao đổi với PV, chị N.T.D. (SN 1981; mẹ cháu N.A.) cho biết: “Khi xuất hiện dịch Covid-19, công ty tôi đã đưa công nhân đi cách ly tập trung từ ngày 01/7. Hơn 3 tuần qua, con gái tôi phải ở nhà 1 mình trong phòng trọ 8m2. Hàng ngày ai cho gì ăn nấy, nếu không thì ăn mỳ tôm và uống sữa rồi đi ngủ.
Ở một mình nhiều ngày, cháu có dấu hiệu tự kỷ. Mỗi lần tôi gọi điện về thì cháu không muốn nghe, phải nhờ người xung quanh khuyên bảo cháu mới chịu nhận điện thoại”.
Chị D. cho biết thêm, xót xa cảnh 2 mẹ con xa quê, cháu lại bơ vơ nên khi đã đăng ký về quê để sinh con, em gái chị D. đã đăng ký cho cháu về luôn.
"Khó khăn nhất là việc đưa cháu ra khỏi khu vực phong tỏa. Ban đầu một người bạn của tôi đến đón cháu nhưng lực lượng phòng dịch tại chốt không cho phép nên đành quay về. Mãi sau phải nhờ các anh chị trong Hội đồng hương can thiệp nên mới đưa được cháu đi xét nghiệm và kịp lên tàu.
Hiện tại thấy cháu vui vẻ hơn nên tôi rất mừng. Sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày, cháu sẽ về ở với bà ngoại tại thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh", chị D. thông tin.
Do mẹ đi cách ly, cháu N.T.N.A. ở nhà 1 mình suốt 24 ngày qua. Cháu đã được lên tàu về quê.
May mắn được về quê trong chuyến tàu đặc biệt này, anh Đ.Q.T. (SN 1996, quê Đức Thọ) chia sẻ: “Trước đây tôi từng đi lao động tại Nhật Bản, do sức khỏe yếu, không làm được nên phải về. Đầu năm nay, tôi vào TP.HCM lao động tự do, khi rảnh thì chạy xe ôm. Do dịch bệnh xảy ra nên 3 tháng nay không có việc làm”.
“Khi mới xuất hiện dịch, ban đầu tôi định về quê nhưng cứ nghĩ là TP.HCM sẽ dập được. Sau này khi dịch phức tạp, số ca bị nhiễm ngày càng gia tăng thì muốn về lại không được nên mắc kẹt luôn”, anh T. nói thêm.
Nói về điều kiện sinh hoạt trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, anh T. kể:
"Trước đây tôi toàn ăn cơm ở ngoài do đi làm cả ngày. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 thì 3 người trong phòng trọ mua nồi về góp gạo nấu cơm. Do khu vực ở trọ chưa cách ly hoàn toàn nên trợ cấp cũng không có, bố mẹ hỗ trợ được bao nhiêu thì cố gắng chi tiêu bấy nhiêu".
“Khi có chủ trương đón người Hà Tĩnh về quê theo nguyện vọng thì tôi đăng ký luôn và được duyệt. Tôi may mắn hơn nhiều người khác là được về quê chuyến đầu, tuy nhiên nếu sắp xếp để đưa các mẹ bầu, trẻ nhỏ hay người già cả, bệnh tật về trước thì hay hơn. Sinh viên và lao động như chúng tôi thì vẫn ráng trụ được”, anh T. trải lòng.
Do số lượng đăng ký quá lớn nên ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, mẹ bầu, sinh viên nghèo, công nhân thất nghiệp, người khuyết tật hoặc đi chữa bệnh bị mắc kẹt.
Chị L.T.A.T. (quê ở huyện Đức Thọ, trú tại TP.HCM) thì kể: “Dịch bệnh xảy ra, tôi nhờ bà ngoại vào trông cháu để vợ chồng đi làm. Vào được 2 tháng thì vợ chồng tôi cũng phải ở nhà làm việc online, không ra khỏi nhà. Ăn uống, sinh hoạt thì đặt trên mạng, cuối cùng cả nhà trông nhau.
Khi biết tin bị phong tỏa, mẹ tôi rất hoảng khiến tôi cũng hoảng theo. Bà lo sợ không biết đến bao giờ hết dịch bệnh bởi ông ở quê một mình. Khi biết tin được về thì mừng như được về quê ăn Tết. Ra về còn khóc lóc, dặn con cái đủ thứ”.
Theo kế hoạch, khoảng 5h sáng 26/7, chuyến tàu SE14 sẽ có mặt tại ga Yên Trung (Đức Thọ). Đây là chuyến tàu đầu tiên trong lịch sử chỉ vận chuyển riêng bà con về Hà Tĩnh và không đón trả khách dọc đường. Khi về đến địa phận Hà Tĩnh, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa đón công dân 2 huyện Vũ Quang và Hương Khê đi cách ly tập trung, tàu sẽ dừng lại tại ga Hương Phố (Hương Khê) để cho 88 người thuộc 2 huyện này xuống tàu.
Công dân các địa phương còn lại sẽ xuống tại ga Yên Trung (Đức Thọ) và sẽ được các huyện, thị xã, thành phố bố trí phương tiện đón về khu cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
Được biết, sau chuyến tàu này, ngành đường sắt sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và TP.HCM tiếp tục tổ chức các chuyến tàu khác đưa 2.300 người còn lại về quê. Mỗi chuyến tàu đón trên 700 người, cách nhau từ 7-14 ngày.
Chia sẻ với khó khăn của người dân Hà Tĩnh đang mắc kẹt tại TP.HCM, ông Trần Văn Toàn (42 tuổi, một doanh nhân quê huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã đề nghị tài trợ 1 tỷ đồng để thuê một chuyến máy bay Vietnam Airlines đưa người dân về quê.
Đề nghị của ông Toàn ban đầu đã được lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý. Dự kiến chuyến bay sẽ được khởi hành vào lúc 11h ngày 28/7, tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 25/7 được thông báo tạm hoãn.