Để cảnh báo người dân khi lưu thông từ khu dân cư thôn Nam Thượng (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) ra tuyến đường Hàm Nghi (TP Hà Tĩnh), ngành chức năng đã lắp đặt biển báo “giao nhau với đường ưu tiên” trên tuyến đường thôn Nam Thượng (đường không ưu tiên).
Tuy nhiên, thay vì đặt tấm biển báo hình tam giác với viền ngoài màu đỏ, bên trong màu vàng, có một góc nhọn hướng xuống phía dưới mặt đường thì biển báo ở trên tuyến đường thôn Nam Thượng lại lắp ngược. Với việc lắp đặt như vậy, tấm biến báo “giao nhau với đường ưu tiên” hoàn toàn không có tác dụng và tới thời điểm này vẫn không thấy cơ quan nào sửa chữa.
Trên tuyến đường từ thôn Nam Thượng (xã Thạch Đài) giao với quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh, cũng được đặt một biển báo “giao nhau với đường ưu tiên” để cảnh báo người và phương tiện phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên khi qua nơi giao nhau.
Lần này, biển báo giao thông đã được lắp đúng quy định nhưng lại đứng phía sau một cây xanh khá lớn khiến cho tầm quan sát của người tham gia giao thông có phần bị hạn chế.
Bên cạnh đó, tại khu vực gần nút giao đường thôn Nam Thượng với quốc lộ 1 tuyến tránh TP Hà Tĩnh cũng bị người dân địa phương chiếm dụng làm nơi họp chợ tự phát, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Nguy hiểm là vậy nhưng tại khu vực này lại không hề có biển báo cấm họp chợ hay cấm dừng đậu để cảnh báo người dân.
Thượng úy Phạm Duy Triết - Phó Trưởng Công an xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát biển báo giao thông các tuyến trên địa bàn và nhận thấy có những bất cập về hệ thống biển báo như: mờ, không đúng quy chuẩn theo quy định... Địa phương đã có kiến nghị với ngành cấp trên có biện pháp thay thế, sơn sửa, bổ sung biển báo ở những nơi này.
Không chỉ ở xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) mà bất cập về hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông cũng đang diễn ra trên các tuyến đường ở TP Hà Tĩnh. Một trong số đó là tuyến đường Ngô Quyền dài 6km, nối từ quốc lộ 1 (xã Thạch Trung) tới cầu Thạch Đồng (xã Đồng Môn).
Tuyến đường này được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012, đến nay nhiều biển báo, chỉ dẫn đã bị hư hỏng, xuống cấp, mất tác dụng điều tiết, hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Thậm chí có biển báo đã bị mất nhưng không được bổ sung lắp mới.
“Hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông trên một số trục đường chính như: Ngô Quyền, Mai Thúc Loan… nay đã xuống cấp, hư hỏng. Địa phương kiến nghị các ngành chức năng rà soát, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế giao thông hiện nay”, ông Nguyễn Xuân Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) cho hay.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo ngày một tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn còn chưa quan tâm đến hạng mục ATGT, đặc biệt là tại các tuyến đường cấp huyện quản lý, đường liên thôn, liên xã.
“Quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, các tuyến đường trục thôn, trục xã trước khi nhỏ, hẹp, mặt đường xấu thì nay được nâng cấp, mở rộng, láng nhựa nên rộng rãi, dễ di chuyển nhưng lại không có hệ thống biển báo, nhất là ở các nút giao ngã ba, ngã tư. Điều này rất nguy hiểm khi mọi người lưu thông nhanh mà không biết phía trước là khu vực đông dân cư, dễ dẫn tới tai nạn”, ông Trần Văn Nam (SN 1956, xã Nam Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên), chia sẻ.
“Mục đích chính khi lắp đặt biển báo giao thông là để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, tôi thấy có nhiều biển báo bị cây xanh che khuất hoặc có một số biển không hợp lý nhưng không được thay thế”, tài xế xe tải Nguyễn Văn Tài (SN 1985, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) phản ánh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Toản – Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh) cho hay: "Vừa qua, sở đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và các địa phương, đơn vị quản lý giao thông tổ chức rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu đúng quy chuẩn số 41/2019 của Bộ GTVT về báo hiệu đường bộ.
Chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt quan tâm đến công tác sửa chữa hư hỏng, vệ sinh mặt đường, lau chùi biển báo, tăng cường kiểm tra tình trạng cầu cống…".
Khi thực hiện các dự án sửa chữa, xây dựng cơ bản cần phải ưu tiên đưa các hạng mục an toàn giao thông, trong đó cần chú trọng đến các biển báo giao cắt với các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, biển báo giao nhau với đường ưu tiên, biển báo cảnh báo các đường cong nguy hiểm, biển báo cầu yếu, cầu hẹp, đường cụt trên tuyến và cần thay thế các biển báo cũ hư hỏng mất tác dụng…/.