“Cò đất” tạo sốt rồi biến mất
Khác với khung cảnh xe ô tô, môi giới đất ùn ùn đổ về xã Yên Hoà (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào những ngày cuối tháng 2 thì khoảng 1 tuần nay, vùng quê này đã trở lại với cảnh bình yên vốn có. Không còn cảnh xe cộ, người về xem đất nhộn nhịp như những ngày trước, thay vào đó chỉ có lác đác người dân đi làm đồng.
“Từ ngày 25-28/2 xe ô tô về chật cứng đường để xem đất từ trong làng đến phía đường liên xã. Nhưng khoảng 1 tuần nay xe và người không thấy đâu nữa. Nhiều gia đình có đất bán đang mừng vì đất lên giá, thậm chí có người nói cọc đất nhưng rồi cũng mất hút không thấy quay lại”, ông Thành - trú xã Yên Hoà, huyện Cẩm Xuyên nói.
Được biết, một phần diện tích của xã Yên Hoà nằm trong khảo sát và quy hoạch dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf. Khi vừa có thông tin về dự án, nhiều đầu cơ, môi giới đất đai đã ùn ùn kéo về tại xã để đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế nhằm tạo cơn "sốt đất", gây náo loạn thị trường.
Thực tế giá trị đất khoảng 3 tháng trước ở địa phương này chỉ có 2-5 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí, nhưng nay “cò đất” đã đẩy giá cao lên gấp 3-4 lần. Từ những lô trị giá 600 triệu đồng nay rao bán với giá gần 3 tỷ đồng. Và việc mua bán, chuyển nhượng đất chỉ những người môi giới mua đi bán lại nhằm đẩy giá thị trường đất lên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Cúc – Chủ tịch UBND xã Yên Hoà cho hay, việc làm sốt đất ở địa phương chỉ diễn ra một thời gian, đến nay không còn một bóng dáng người nào đến mua bán đất.
“Nhộn nhịp được thời gian ngắn, khoảng một tuần nay không thấy ai nữa, ngày trước xe cộ, người đầy đường nhưng nay đi đâu hết. Thực ra đây là môi giới về làm sốt đất lên, chứ giao dịch ở chính quyền địa phương không có. Địa phương cũng đã cảnh báo với người dân không để mắc lừa các chiêu trò của môi giới đất”, ông Cúc cho hay.
Không chỉ xã Yên Hoà mà xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) đợt vừa rồi lượng người đổ xô về vùng quê này rất đông để xem đất. Từ một vùng quê ven biển, mảnh đất từng không “ai dòm ngó” cũng được đẩy giá lên cao theo từng ngày. Tuy nhiên, việc “sốt đất” ở vùng quê chỉ diễn ra chóng vánh, một thời gian ngắn và dừng lại khi môi giới đất không còn tìm đến.
Bà Chu Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương, cho hay, khi có thông tin quy hoạch Khu đô thị nghỉ dưỡng, sân golf ở xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) thì lượng người đổ xô về mua đất tăng đột biến. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn lại chùng xuống và hiện nay lắng dần.
Đủ chiêu trò
Thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà vừa qua cũng là khu vực đất được làm nóng, giá tăng theo từng giờ. Theo tìm hiểu, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đồng ý cho một đơn vị khảo sát để lập khu quy hoạch vùng với diện tích 420ha ở hai địa điểm, trong đó có xã Việt Tiến. Tuy nhiên, đây chỉ mới khảo sát để quy hoạch làm khu công nghiệp, và cũng chỉ mới là giai đoạn đầu tiên. Nhưng khi có thông tin, môi giới đất đã kéo về vùng quê, khuấy động thị trường đất khiến dân địa phương hoang mang.
Trở lại với vùng quê này, khác với cảnh nhộn nhịp, mua bán như khu “chợ đất” vào thời điểm trước thì nay lại vắng lặng, không còn cảnh xe hơi đậu khắp đường, người người đến xem đất.
“Mấy hôm thấy đông nhưng giờ thấy không có người đến đây nữa. Chưa bao giờ thấy đất nông thôn mà giá tiền tỷ như vậy, dân đây cũng không có tiền mua”, ông Trần Hữu Toản (thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến) nói.
Ông Nguyễn Văn Hướng - Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà cho hay, trước làn sóng sốt đất, địa phương thông báo người dân cảnh giác với các chiêu trò của môi giới, đầu cơ đất để tránh bị lừa mất tiền. Ngoài ra, địa phương cũng giám sát, ngăn chặn việc môi giới tự tổ chức để xử lý. Ông Hướng cũng cho biết, hiện nay đất tại địa phương đã lắng lại, không còn cảnh nhộn nhịp, “cò đất” cũng không lui tới. Giá đất tại địa phương tuỳ theo vị trí, có chỗ bị đẩy giá lên gấp đôi, việc mua bán chủ yếu môi giới đất mua đi bán lại với nhau.
“Khi có thông báo khảo sát dự án là môi giới đất đổ xô về đây rất nhiều, giá đất lên nhanh. Việc làm sốt đất ảo này chúng tôi cũng cảnh báo đến người dân tránh để bị lừa mất tiền bằng những thủ đoạn, chiêu trò của môi giới. Còn về mua bán chuyển nhượng đất thì địa phương cũng rất khó quản lý, vì đa phần giờ làm dịch vụ ngoài”, ông Hướng cho hay.
Ông Phan Lê Hùng - Trưởng phòng quản lý Nhà, thị trường BĐS và vật liệu xây dựng - Sở xây dựng Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, thị trường BĐS ở Hà Tĩnh có những tín hiệu tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, nửa quý đầu năm 2022, đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đất đai. Trong khi đó, năm 2020, tổng giao dịch phải xử lý của toàn tỉnh Hà Tĩnh là khoảng 84.000 hồ sơ, năm 2021 hơn 122.000./.